1. “Có gì bán không?”

Câu hỏi trống không. Im lặng. Giọng nói lại vang lên: “Bà ơi! Bà cụ ơi! Có gì bán không bà?”

“Có, có! Đợi chút.”

Bà xỏ chân vào đôi dép, lê lẹp xẹp vào buồng. Bà lấy ra một bịch nhựa trong có đựng trăm thứ lặt vặt không ra hình thù gì. Bà nhìn trước, ngó sau như người ăn trộm. Chị mua ve chai đứng ở ngoài cửa bếp. Như một việc đã quá quen thuộc, chị đón lấy cái túi, móc vào cái cân xách. Trước kia chị phân loại giấy ra giấy, nhựa ra nhựa, nay thì hai bên đã thỏa thuận với nhau là có một cái giá trung bình cho toàn thể. Bà thì nhìn đăm đăm vào mớ hàng lặt vặt ấy như nhìn một thứ gì quý giá lắm. Mà không quý sao được, vì đó là kết quả của nhiều tuần bà lượm lặt và cất giữ. Từ cái chai dầu gió đã dùng hết, hộp bánh, bao giấy kẹo, tờ báo, cho đến cái quai dép đứt, bà đều giữ lại. Bà vuốt từng miếng giấy, từng cái bao ni-lông cho thật phẳng phiu. Những thứ ấy bà đã lén cất đi. Còn những thứ to lớn hơn, như chai nước mắm, chai xì dầu, cái vỏ bánh xe đạp đã mòn… thì không đến lượt bà, vì đã được gom vào một cái thùng to… cũng để bán ve chai.

Khi chị mua ve chai trao tiền cho bà, bà khoát tay ngụ ý bảo chị đi ngay đi. Bà quay vào, cất nhanh số tiền vào túi, dù vẫn còn tiếc rẻ vì muốn đếm ngay. Nhưng thôi, hãy vào buồng cái đã! Bà tự nhủ bắt đầu hôm nay lại thu lượm trăm thứ lặt vặt, để dành…

Mọi việc đều không qua khỏi đôi mắt của Dì. Dì đi chợ về nãy giờ, nhưng đứng ngoài cửa. Chị mua ve chai đi rồi, Dì vào nhà, lắc đầu, thở dài. Dì quả thật không hài lòng về cái cách của Bà. Sao mà Bà lại phải cực khổ như vậy nhỉ? Mọi thứ trong nhà đều do Chú và Dì lo cả. Dì chỉ sợ ai đó biết được Bà gom góp “ve chai” để bán rồi sẽ chê cười.

Dì đem chuyện kể cho Đoan, như vì tin tưởng Đoan là người quan tâm đến chuyện lớn chuyện nhỏ trong nhà cũng như ngoài xã hội. Đoan cũng đã vài lần quan sát Bà. Đoan trấn an Dì: “Con nghĩ không ai cười đâu Dì ạ! Dì cứ để Bà làm cho vui.” – “Ừ thì cho vui. Nhưng kỳ.” – “Bà thấy Bà tiết kiệm, có được chút tiền do công sức của mình, vậy là được, không kỳ đâu Dì ạ! Thời buổi này khó khăn. Chắc Bà thấy gia đình cực khổ nên không cam lòng ở không.”

Dì lại thở dài: “Cái gì cũng bán, chán ghê!”

Hai dì cháu im lặng. Cái gì cũng bán, thật vậy! Đoan chưa từng nghĩ rằng mình có ngày phải đem những sách học của mình ra tiệm bán.  Lớp tuổi đàn anh của mình, học xong thì lưu giữ cho các em học tiếp khỏi mua sách. Nhưng mọi thứ nay đã khác đi rồi! Khi cần tiền, có gì bán được là bán. Đoan nghĩ theo cách tự tha thứ, rằng “cũng may mình chỉ bán sách.” Ngoài tiệm sách, có lắm chuyện để nhìn và suy nghĩ. Khi Đoan bán mớ sách học của mình, nào Sinh Hóa, nào Vật Lý, nào Vi Trùng Học, nào Thực Vật Học, Đoan lại bỏ tiền ra để mua vài quyển sách cũ.

Ở đâu mà lắm sách cũ thế? Ông chủ tiệm nói nhỏ vừa nghe: “Người ta bán những cái bị vu là “văn hóa phẩm đồi trụy” đó cô! Cô đọc đi, xem nó có “đồi trụy” không há!”

Thế là Đoan rinh về, nào Tầng Đầu Địa Ngục, nào Giã Từ Vũ Khí, nào Chúa Đã Khước Từ, và cả Animal Farm… Đoan rủ chị Thúy đọc. Hai chị em bỏ ăn, bỏ ngủ, đọc và đọc… Có sách trước đây đã đọc rồi, đọc lại càng thấy thấm hơn.

Cái tiệm bán (dĩ nhiên là cả mua) sách cũ trở thành nơi dừng chân thường xuyên của hai chị em. Một hôm, Đoan nhìn thấy trên kệ sách, có cả những cuốn sách Đoan viết đã xuất bản trước đây. Là sách dành cho tuổi học trò, Đoan viết bằng cả tâm huyết của mình. Là những quyển truyện đã được kê vào danh sách “đồi trụy và phản động” theo nghĩa mới.

Ông chủ tiệm sách hỏi Đoan: “Cô có mua không?” Đoan lắc đầu: “Thôi, chú cứ để đó. Sẽ có người mua.”

  1. Bà phân trần: “Bà gom mấy tờ giấy báo, nó cũng giành của Bà!” Dì hỏi: “Chuyện gì vậy Bà?”

Bà chưa kịp nói, thằng cháu bé nhanh nhẩu trả lời: “Cái này là kế hoạch nhỏ của con. Con phải nộp cô giáo để cô cho điểm lao động cao.” – “Kế hoạch nhỏ… là cái gì?” – “Là học sinh về nhà thu giấy vụn, bao ni-lông, chai lọ… nộp cho trường.”

“Rồi trường làm gì?” – “Dạ, trường bán.”

“Trường bán làm gì?” – “Bán lấy tiền.”

“Có tiền để làm gì?” – “Dạ… chắc để lo cho học sinh tụi con.”

Dì chép miệng: “Suốt ngày lo đi lượm ve chai như vậy, còn thì giờ đâu mà học?” – “Dạ, cô giáo nói như vậy mới là học sinh tốt.”

Thằng bé bảy tuổi được thắng vì không ai nỡ để nó bị cho điểm thấp về lao động. Chỉ có bà buồn xo vì không được phần tờ giấy báo, không được vuốt cho phẳng phiu cất kỹ chờ ngày bán cho chị mua ve chai. Dì đành an ủi: “Bà đừng buồn, mai con đi chợ con mua tờ báo để đọc, đọc xong thì… bà cất nghen!” Bà cười sung sướng, cái miệng móm mém.

  1. Đoan đi len lỏi qua những sạp hàng “dã chiến” không được sắp xếp ngay ngắn. Những câu hỏi “Có gì bán không?” vang lên liên tục từ những người chủ sạp hoặc những người đi rảo lang thang trong khu chợ. Chợ trời.

Đoan tìm ra hàng của Má không khó, nhờ ở cái áo Má thường mặc khi đi chợ. Xung quanh Má, những quần áo cũ được treo ngay ngắn. Cũng có người đến mua và đến bán. Gần đó, có những gian hàng xẹp, có nghĩa là không có sạp. Người bán bày hàng trên một tấm vải nhựa để dưới đất, và đó cũng gọi là một gian hàng. Hết ngày, mọi người gom hàng vào những cái túi to, mang về nhà mình, ngày mai mang đến bày ra bán tiếp. Những người có sạp cũng vậy, vì sạp không có ngăn tủ để chứa hàng, lại là sạp lộ thiên. Và đó, khu chợ trời!

Má cười, ghẹo Đoan: “Có gì bán không cô?” – “Dạ không, con tới để… xin ăn.”

Má giở cái “gà-mên”, nói: “Ăn đi!” – “Con không ăn đâu, cơm này của Má. Con có mang một “gô” cơm theo rồi.”

Nói “gô” cơm cho sang, thật ra là một lon cơm độn khoai mì lát, rắc lên đó một chút muối ớt. Má cũng biết mà! “Gà-mên” cơm của Má cũng không hơn gì. Mỗi sáng Má nấu một nồi cơm độn, gồm một nắm gạo và một lô khoai lang hoặc khoai mì lát. Khoai lang hay khoai mì lát là loại không còn chất ngon ngọt, mà từ những củ khoai bị sùng hay sượng. Có hôm nấu gạo với bo bo. Có hôm mua được bột mì, cả nhà được “miễn” ăn cơm, thay vào đó là bánh mì tự làm ở nhà, hoặc nhồi bột mì làm nui hay mì sợi, xào lên, được một bữa ăn khá sang trọng. Mỗi người đi học, đi làm, mang theo một “gô” như vậy. Kể cả ba của Đoan, ông công chức đạo mạo, cũng đã chịu mang theo lon cơm, có phần ưu đãi hơn vì được lát thịt kho hoặc cái trứng luộc.

“Má có mệt không Má?” – “Mệt chi? Má có sạp ngồi, còn đỡ hơn mấy người đi lang thang.”

“Má con mình từng đi lang thang ha Má!” – “Ừ, lúc mới ra buôn bán, mình ngồi lê la, bán không rành bằng mấy người quen nghề.”

“Hồi đầu tức cười ha Má, mình buôn gạo, buôn gà, buôn trà, bán bánh…” – “Ừ, không biết buôn bán mà cứ đòi…” – “Dạ, thời buổi có cái gì cũng bán.”

Rồi hai mẹ con im lặng. Bỗng như cùng nhớ đến cái ngày Đoan đi học về ngỡ ngàng nhìn bức tường trống trơn, nơi từng có cái tủ sách. Theo thói quen, Đoan bước vào nhà là chạy đến mở tủ lấy sách để đọc. Bàn tay chạm vào bức tường không. Đoan đã kêu lên hoảng hốt: “Ôi! Cái tủ sách đâu rồi?”

Rồi chẳng chờ nghe câu trả lời, vì câu trả lời đã hiện ra ngay trong đầu. Bán rồi! Mà Má là người phải làm cái việc “bán” đó, chỉ để cho cả nhà khỏi phải nhịn đói sau những cuộc đổi tiền.

Cái tủ sách đi theo với bao nhiêu thứ quý giá trong nhà lần lượt “ra tiệm” cũng là dễ hiểu trong thời buổi “cái gì cũng bán.” Có sững sờ rồi cũng phải chấp nhận.

  1. Đoan vào sở. Ngoài gia đình, đây là cái không gian êm đềm của Đoan. Không kể đến những lúc các “sếp” gọi đi họp hành với bao nhiêu thứ phải nhét vào tai, tình cảm quý mến của những người cùng làm việc nơi đây thật là khó tìm. Ai cũng có tên nhưng vẫn thích gọi nhau bằng Hai, Ba, Năm, Bảy, Tám… Sống ở thành thị nhưng mang mọi sắc thái từ tứ xứ. Có người vào sở khi tuổi dưới hai mươi, bây giờ thành người trung niên. Họ có thời gian học việc từ “sếp” Tây, rồi từ bạn Mỹ, từ những người học hành đàng hoàng, nay thì dưới quyền những ông bà chủ từ bưng biền ra. Cuộc đời muôn màu, nhiều trôi nổi. Nhưng họ vẫn trung thành với một thứ: lòng yêu nghề. Về gia cảnh, có người khá giả, có người đủ ăn, có người nghèo, đông con. Đến thời này, bất kể là ai, họ chia nhau bó bông súng, rổ còng, xem như một cách… “giữ mình.”

Buổi trưa, giờ nghỉ, mỗi người mang ra một “gô” hay “gà-mên” cơm, vừa ăn vừa tán chuyện. Chị Bảy là người được nể nang nhất vì tính công bằng và quan tâm đến mọi người, kể chuyện đi bắt còng, bị té trặc chân, nhưng hôm nay vẫn có một rổ còng mang vào để chia nhau. Cũng là bán, nhưng bán như cho.

 Dì Tám, thường nghe nhiều hơn nói, ngồi ăn ở một góc xa, không giấu được nét mặt trầm ngâm. Chẳng là, theo như Dì thổ lộ với Đoan, rằng Dì đã gặp lại người chồng của Dì. Ông đi “tập kết” ra Bắc hồi năm 1954, bỏ lại Dì với đứa con gái trong Nam. Nay ông đã vào tìm Dì, và xin Dì chấp nhận cái gia đình mà ông mang theo. Dì vui vì tái ngộ, nhưng âu sầu vì phải gánh hai gia đình, phải chia xẻ tình cảm. Chưa hết, Dì phải lo bán một số thứ trong nhà để trang trải cho cuộc sống mới.

Một chị, chị Tư, xin nghỉ làm buổi sáng, vào buổi trưa và giở cơm ra ăn. Không cố ý, nhưng mọi người đều nhìn lon cơm của chị. Chỉ là cơm độn bo bo. Chưa hết, chị có hai trái khế hái ngoài cổng. Cây khế này từng là “cứu tinh” của nhiều người. Chị Tư xắt khế thành từng lát, chấm muối, ăn với cơm, ngon lành. Thế đó! Và chị nói huyên thuyên: “Hôm nay viện đông quá trời, người xếp hàng dài như rồng rắn, nên mình mất luôn một buổi. Nhưng cuối cùng cũng xong.”

Đoan hỏi: “Chị đi đâu vậy?” – “Đi bán máu. Mình bán hoài mà, cô Đoan!” Đoan lặng người. Chị Tư cười: “Mỗi lần bán một bịch máu đi được một bữa chợ. Đâu có cách nào hơn! Nhà mình đông con.”

  1. “Có gì bán không?” Chị mua ve chai hỏi nhiều lần, không thấy bà cụ đi ra. Chị hỏi lần cuối, giọng lười biếng: “Có gì bán… ?” Chữ “không” chìm đâu mất…

Cam Li NGUYỄN THỊ MỸ THANH, 10.2018