Có rất nhiều người nói “lấy người Công giáo là phải vào đạo, phải học giáo lý, phải trải qua nhiều thủ tục khác nữa thì mới có thể lấy được người Công giáo…” Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm, vì chữ “phải” ấy mang đến cảm giác khá nặng nề và ép buộc. Chẳng ai có thể đòi buộc chúng ta làm điều mà chúng ta không muốn, nhất là khi việc đó lại liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình. Thay vì nói câu trên, chúng ta nên sửa lại thành: “Hội Thánh mời gọi…” Bởi vì Hội Thánh biết có một Đấng đã tạo dựng lên trời đất muôn loài, một Đấng giàu lòng thương xót, một Đấng luôn quan phòng. Đấng ấy chính là Thiên Chúa và chính Người là tình yêu. Hẳn không có câu trả lời nào trọn vẹn và ý nghĩa cho bằng lời khẳng định của thánh Gioan Tông Đồ: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,16). Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được tham dự vào ba chức vụ mà Chúa Kitô đã trao cho Hội Thánh: Ngôn sứ, Tư tế và Vương giả. Điều đó nghĩa là sao? Đó chính là mỗi người Kitô hữu đều có nghĩa vụ và bổn phận giới thiệu Chúa cho những anh chị em thân yêu của mình, giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người. “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15), để “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Việc tiến đến đời sống hôn nhân gia đình giữa người nam Công giáo và người nữ khác đạo dường như “dễ dàng” hơn so với chiều ngược lại. Càng khó khăn hơn gấp bội, đối với trường hợp sau, khi người nam khác đạo ấy lại là con trưởng hoặc đích tôn của dòng họ. Đến đây, nhiều người nghĩ ngay những khó khăn đó chủ yếu bắt nguồn từ phong tục hiếu – hỉ giữa hai bên. Chẳng phải hiển nhiên mà người xưa đã truyền miệng câu ca dao:
Lấy người Công giáo làm chi,
Chết thì ai cúng, giỗ thì ai lo.
Lấy ai chăm sóc mả mồ,
Lấy ai hương khói bàn thờ tổ tiên?
Vì nhiều người ngoại đạo vẫn lầm tưởng rằng “một khi đã theo đạo, họ không được thờ cúng tổ tiên nữa mà chỉ được phép thờ cúng một mình Thiên Chúa mà thôi”. Quả thật, Hội Thánh chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất và kính mến Người trên hết mọi sự.[1] Song bên cạnh đó, Hội Thánh kính nhớ tổ tiên ông bà cha mẹ là những đấng bậc đã sinh thành dưỡng dục ra mình. Người Công giáo vẫn giữ đạo hiếu của dân tộc Việt Nam là thảo kính đối với ông bà cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời (GLCG.396).
Trong Mười Điều Răn mà Thiên Chúa đã truyền dạy qua ông Môsê, phần giới luật về con người, Người đã xếp việc thảo kính cha mẹ lên hàng đầu thông qua điều răn thứ Tư.[2] Theo truyền thống tốt đẹp của Hội Thánh, người Công giáo dành riêng tháng Mười Một để tưởng nhớ và cầu nguyện cho ông bà tổ tiên đã qua đời. Phần mộ của các ngài được trang trí cờ, hoa, nến; các phần cỏ xung quanh mộ cũng được cắt gọn rất sạch đẹp. Những Thánh lễ ngay tại Vườn Thánh; những ngày giỗ, các con cháu cũng sẽ nhớ đến mà đọc kinh, xin lễ cầu nguyện cho các ngài. Giáo hội Công giáo Việt Nam cũng dành riêng ngày mùng Hai Tết để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Đó quả là những việc làm hết sức cao đẹp và ý nghĩa dành cho các bậc tiền nhân. Hội thánh cũng khuyên dạy rằng: Tôn kính, biết ơn và vâng lời cha mẹ trong những điều chính đáng. Lo cho cha mẹ khi các ngài còn sống được đầy đủ về phần xác cũng như phần hồn. Khi các ngài qua đời, phải lo việc an táng, hương khói, làm các việc lành, cầu nguyện và dâng lễ cho các ngài (GLCG.397).
Nhiều người lại cho rằng, một quan niệm chưa đúng khác, “lấy người có đạo là phải đi lễ, đi nhà thờ…”. Hội Thánh dạy: Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc.[3] Thánh lễ là vô giá. Thánh lễ được cử hành hằng ngày trên toàn thế giới. Thế nhưng ngày Chúa Nhật lại đặc biệt hơn vì ngày đó là ngày Chúa Kitô đã đánh bại tử thần, phá tan xiềng xích tội lỗi và phục sinh vinh hiển. Với sự phục sinh của Đức Giêsu, ngày Chúa Nhật mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự hoàn thành của một công trình tạo dựng mới mà Thánh Thần thực hiện nơi Đức Giêsu. Đó cũng chính là đỉnh điểm của ơn cứu độ và là điểm đến của mọi loài thụ tạo trong trời đất.[4] Do đó, Hội Thánh muốn người Kitô hữu dành thời gian đến Nhà Chúa: lắng lại một vài giờ để tâm sự với Người, tạ ơn Người vì một tuần làm việc tốt đẹp đã trôi qua, và nguyện xin cho Ý Người sẽ thể hiện trong tuần tiếp theo… Việc người Kitô hữu tham dự Thánh lễ sốt sắng cũng chính là cách thế cùng bước vào con đường Thập Giá với Đức Giêsu, cùng chết và cùng phục sinh với Người. Không những thế, Thánh lễ cần thiết biết bao cho những linh hồn đang ở nơi Luyện Ngục. Thánh lễ sẽ là chìa khoá giúp các linh hồn ấy sớm được lên Thiên Đàng hưởng nhan thánh Chúa. Và khi các linh hồn ấy đã vinh hiển, các ngài cũng sẽ chuyển cầu cùng Chúa cho ta được nhiều ơn lành cả phần hồn cũng như phần xác… Đó chính là tín điều Hội Thánh Cùng Thông Công mà Giáo Hội đã truyền dạy.
Trở lại với đời sống hôn nhân, Thiên Chúa đã thiết lập Bí tích Hôn Phối để kết hợp người nam và người nữ thành một, “sự gì Thiên Chúa đã kết hợp loài người không được phân ly” (Mt 19,6b). Người xưa cũng có câu: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Quả thế, nếu những việc do con người làm thì chúng chỉ kéo dài một khoảng thời gian nào đó, nhưng nếu do bởi Thiên Chúa thì mọi sự sẽ trường tồn. Vì lẽ đó, nếu hai người nam và nữ đã trở nên “một xương một thịt” thì nào có thể tách rời ra được! Hơn nữa, khi hai người đã quyết định bước đến nhà thờ để cùng cử hành Bí tích Hôn Phối, trước mặt Chúa và Hội Thánh, đó phải là hành động của sự tự nguyện, chín chắn và yêu thương. Hai người sẽ tuyên thệ với Chúa và với nhau về sự chung thuỷ. Hai người không phải là diễn viên, và nhà thờ không phải là sân khấu, đó phải là nơi để hai người diễn tả lời thề hứa bằng cả con tim: khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi mạnh khoẻ cũng như lúc đau yếu để yêu thương và tôn trọng nhau mọi ngày suốt cuộc đời. Yêu nhau không phải là cả hai cùng nhìn nhau, nhưng là cùng nhìn về một hướng.
Hơn hết, Gia đình Thánh Gia là mẫu gương sống động cho từng gia đình noi theo. Nhìn vào Mái Ấm Nazareth xưa, những bậc làm chồng, làm cha hãy biết khẩn nài với Thánh Cả Giuse: hi sinh, chở che và là một trụ cột vững chắc cho gia đình của mình; những bậc làm vợ, làm mẹ hãy biết cầu nguyện với Mẹ Maria: hi sinh, phục tùng chồng, đảm đang, vun vén cho hạnh phúc gia đình… Hội Thánh kêu mời từng gia đình biết đặt Chúa là trung tâm thì nơi đó tình yêu thương được lan toả. Nơi đó, mọi sự đố kị, ghét ghen và mẫu thuẫn sẽ được đẩy lui. Nơi đó, vợ chồng sẽ trân quý nhau; con cái sẽ thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, hiếu thảo với ông bà cha mẹ; và chắc chắn gia đình đó sẽ đầy ắp hoa trái của Thánh Thần.
Chính vì những lý do trên đã minh chứng phần nào rằng Hội Thánh mong muốn và mời gọi người ngoại đạo theo đạo. Vì khi thấy một điều gì tốt đẹp, ai mà không mở lòng chia sẻ cho mọi người xung quanh mình, nhất là trong đời sống hôn nhân gia đình hiện nay! Vì vậy, con rất mong những người ngoại đạo sau khi đọc xong bài viết này sẽ có cái nhìn khác hơn về đạo Công giáo; những ai đã, đang và sẽ kết hôn với người Công giáo sẽ có tâm thức sẵn sàng, mến yêu và vui vẻ đón nhận Giáo Lý Hội Thánh!
Tác giả bài viết: Jos Phan Tiến
[1]: Xh 20, 3-5
[2] Xh 20, 12
[3] Sáu điều răn của Hội Thánh, điều răn Một
[4] Dongten.net, ý nghĩa của việc đi lễ ngày Chúa Nhật, Pr. Lê Hoàng Nam SJ