Trong cuộc hiện hữu, con người luôn tra vấn về chính mình: “tôi là ai?,” “tôi từ đâu tới?” và “ tôi sẽ đi về đâu?” Những câu hỏi này cứ vang lên mãi trong những kinh nghiệm sống của chúng ta. Như một lời mời gọi, những câu hỏi về sự hiện hữu của mình luôn thôi thúc mỗi người lên đường tìm kiếm ý nghĩa cho sự hiện hữu của mình – một hành trình Tôi đi tìm “tôi.” Đã có nhiều giấy mực bàn cãi về chủ đề gai góc này với những quan điểm trái ngược nhau về bản tính con người. Trong bài viết này, tôi chỉ đề cập đến một vài quan niệm cơ bản của vấn đề bản tính con người là gì? Để trong hành trình tìm kiếm, với những trải nghiệm mỗi ngày, con người có cơ may thấy rõ hơn về bản tính của chính mình.
Đầu tiên, Thomas Hobbes (1588-1679) nhận định rằng: bản tính con người là xấu, ‘con người là sói với người.’[1] Tính ích kỷ, luôn lo cho mình trước nhất, là bản tính căn bản của con người. Để chứng minh cho điều muốn nói, Hobbes đề nghị chúng ta hãy tưởng tượng một ‘nhà nước tự nhiên,’ một nhà nước trong tình trạng không có luật pháp hay quy tắc luân lý. Hãy quan sát con người trong nhà nước tự nhiên, chúng ta sẽ thấy: mỗi người theo đuổi những bản năng và thú vui riêng của mình. Mỗi người quan tâm đến sự an toàn và hạnh phúc của mình trước hết, đấy không phải ích kỷ thì là gì? Hobbes có cái nhìn hơi bi quan về con người cũng là do kinh nghiệm thực tế trong thời nội chiến ác liệt xảy ra, khiến ông phải chạy sang Pháp, năm 1640, để tị nạn suốt mười năm.
Gam ‘màu tối’ về bản tính con người, theo quan niệm của Hobbes, một lần nữa được tô vẽ lại một cách chân thực hơn: William Golding (1911 – 1993), nhà văn từng đoạt giải Nobel, cũng trải qua những kinh nghiệm đau thương trong chiến tranh và nhận định rằng: sự dã man của con người, đặc biệt là tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã… chỉ có thể giải thích được qua cái ác bẩm sinh. Tiểu thuyết Chúa Ruồi (Lord of the Flies)[2], xuất bản năm 1954, diễn tả rõ quan niệm của ông về bản tính con người. Tiểu thuyết Chúa Ruồi là tác phẩm đầu tay và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, tác phẩm đã minh họa tài tình quan điểm của những người theo trường phái Hobbes về bản tính con người. Golding cho thấy rằng chúng ta không cần quỷ dữ bên ngoài mang đến sự ác, nhưng chúng ta đã tìm thấy chúng ở ngay trong chúng ta. Quỷ dữ là chính chúng ta. Quỷ dữ ẩn nấp ở mọi nơi, luôn luôn rình chờ giây phút nổi loạn. Quỷ dữ nằm sẵn trong bề sâu của tiềm thức con người và trỗi dậy mỗi khi có sự tranh chấp lợi lộc hay trong những giây phút sống buông thả.
Ngược lại, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cho rằng: bản tính con người là tốt.[3] Để chứng minh cho quan điểm này, mỗi người hãy đọc lại kinh nghiệm của mình khi chứng kiến tai nạn xảy ra. Ai trong chúng ta cũng mang trong mình một phản ứng tự nhiên về lòng thương cảm, khi nhìn thấy bất kỳ ai bị đau khổ hay phải cam chịu. Tại sao chúng ta lại có lòng thương cảm cả với những người mà chúng ta hoàn toàn không quen biết? Rousseau cho rằng có một lý do để giải thích: ‘bản tính con người là tốt.’ Nhưng thực tế, chúng ta không thể chối bỏ những kinh nghiệm về sự ác và sự xấu xa của con người. Rousseau giải thích về sự suy đồi nơi con người là do xã hội. Bản tính căn bản của con người là tốt, nhưng do ý muốn trục lợi cá nhân, muốn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của cộng đồng đã biến con người ra xấu xa. Để dễ hiểu hơn, Rousseau đề nghị chúng ta hãy trở về với con người nguyên thủy Robinson Crusoe (Robinxon trên đảo hoang). Hãy để con người một mình trong tự nhiên, như Robinxon trên đảo hoang, con người sẽ phát triển đầy đủ. Robinxon, con người nguyên thủy, là con người tốt lành, chân chất. Nhưng Robinxon có nguy cơ đánh mất bản tính tốt khi sống trong xã hội thích tích trữ của cải. Như vậy, bản chất con người là tốt lành, nhưng xã hội đã biến con người trở nên xấu xa.
Mặt khác, trong đời sống thường hằng, chúng ta kinh nghiệm về chính mình sống giữa những giằng co: bản tính tốt với bản tính xấu. Một mặt, chúng ta có kinh nghiệm về những tật xấu như thể nó đã cố hữu trong mỗi người, mặc dù đã cố gắng nhiều mà ta vẫn không vượt qua được. Đúng như quan niệm về bản tính con người của Hobbes! Con người đã có sẵn tính xấu trong mình, để rồi mỗi lần có dịp thuận tiện, tính xấu ấy trỗi dậy cách mạnh mẽ; Mặt khác, chúng ta cũng có kinh nghiệm về những điều tốt lành, về lòng yêu thương con người. Chúng ta thấy rằng tình yêu thương người khác như gia vị giúp cho đời sống của chúng ta thêm ý nghĩa và giá trị. Qua những trải nghiệm, chúng ta đồng ý với quan niệm của Rousseau: con người có bản tính ích kỷ, nhưng con người còn có một quà tặng giá trị hơn là bản tính tốt lành. Với bản tính tốt lành, con người biết xây dựng cuộc sống tươi đẹp hơn. Con người biết sống vượt trên nhu cầu của mình để quan tâm đến nhu cầu của người khác. Trong cuộc sống quanh ta có biết bao con người, như mẹ Theresa Calcutta, Mahatma Gandhi… dám từ bỏ, hy sinh những nhu cầu chính đáng của bản thân để sống cho người khác. Có biết bao tổ chức từ thiện xã hội chăm sóc cho những người nghèo, người bệnh tật. Phải chăng chỉ khi nào con người cố gắng sống và phát triển bản chất tốt thì con người mới sống đúng là người hơn?
Hai quan niệm về bản tính con người của Hobbes và Rousseau không hoàn toàn loại trừ nhau! Cả hai ông đã diễn tả cái thực tế ‘bản tính hai mặt’ của con người. Con người vừa có bản tính xấu, ích kỷ như Hobbes diễn tả; con người vừa có bản tính tốt lành, chânn chất như Rousseau chỉ ra. Cuộc hiện hữu của con người luôn sống trong sự giằng co giữa hai bản chất ấy. Với sự giằng co này, con người luôn được thúc đẩy lên đường đi tìm ý nghĩa cho cuộc hiện hữu của mình mỗi ngày tròn đầy hơn. Hành trình Tôi đi tìm tôi vẫn mãi tiếp tục như chẳng có điểm dừng cuối cùng, để rồi trong mỗi phút giây cuộc sống con người luôn khao khát đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: bản tính con người là gì?
Văn Ngữ
[1] s. POJMAN, Louis P, “Who Are We?” Theories of Human Nature, Oxford University Press, New York, 2006, pp.104-106.
[2] Truyện kể về diễn tiến bi thảm trong cuộc sống của mấy chục đứa trẻ may mắn sống sót trên một hoang đảo ở Nam Thái Bình Dương. Chuyện xảy ra khi chiếc máy bay chở chúng đi sơ tán bị trúng đạn trong chiến tranh. Bọn trẻ phải cố gắng sống sót để chờ người lớn đến cứu. Chúng bắt đầu chọn thủ lĩnh để lãnh đạo nhóm, và xây dựng những quy tắc luật lệ của một xã hội thu nhỏ. Nhưng sau một thời gian, thiên nhiên khắc nhiệt, môi trường sống tự do không sự kiểm soát đã buộc từng người bộc lộ cái tận cùng trong bản tính của mình trước cuộc đấu tranh sinh tồn. Có thể nói vắn tắt, đó là sự thoái hóa của nền văn minh, khi cái phần “thú tính” của bản năng sơ khai vẫn còn đó, sẽ trỗi dậy bất cứ lúc nào khi gặp môi trường quá đỗi hồng hoang này. (s. Ibid, pp.109-110)
[3] s. Ibid, pp.112-114.