HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM
UỶ BAN MỤC VỤ GIỚI TRẺ – THIẾU NHI

Công Bố Logo Năm Giới Trẻ

Trong niềm vui đồng hành với người trẻ, thừa lệnh Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Uỷ Ban Mục vụ Giới Trẻ-Thiếu Nhi xin công bố logo Năm Giới Trẻ qua đường link:

http://bit.ly/Logo-MVGT2020

Nội dung và quy chuẩn sẽ được cập nhật qua đường link duy nhất này để đáp ứng với nhu cầu sử dụng trong thực tế.

Nguyện xin Chúa Thánh Thần canh tân mục vụ giới trẻ mọi nơi.

Ngày 18 tháng 11 năm 2019
Thư ký UBMVGT-TN
Linh mục Gioan Lê Quang Việt 

Nguồn: Ủy ban Mục vụ Giới Trẻ – Thiếu Nhi

Ý NGHĨA LOGO NĂM GIỚI TRẺ 2020
Nguồn mạch: Lc 24, 13-35.

Thượng Hội Đồng Giám Mục 15 đã nhìn nhận hành trình Emmau (Lc 24,13-35) như là một văn bản kiểu mẫu để hiểu sứ vụ của Hội thánh trong tương quan với các thế hệ trẻ và giúp tái hiện lại cuộc đối thoại của Đức Giêsu với người trẻ hôm nay. Kiểu mẫu này mong muốn gửi đến người trẻ bài học về sự trưởng thành đức tin thông qua tiến trình 3 bước theo diễn biến tâm lý của hai môn đệ trên hành trình Emmau đó là:

1. Để Chúa Giêsu bước vào trong đêm tối của cuộc đời. (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 237).
2. Khi lắng nghe Người, họ cảm thấy lòng ấm lên và trí sáng ra; khi Người bẻ bánh, mắt họ mở ra.
3. Chính họ chọn đi trở lại ngay lập tức con đường vừa đi, để về với cộng đoàn và chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục sinh

Logo tròn: là khối hình ưu tiên trong việc phát triển hầu hết các mẫu thiết kế logo vì tính đối xứng, biểu trưng hài hoà và mang ý nghĩa trong sự thể hiện trọn vẹn về niềm tin, hay sự thống nhất về mặt biểu tượng. Logo tròn tạo thành từ 3 khối chữ và số, thể hiện đầy đủ và tái hiện lại tiến trình 3 bước “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ HƯỚNG ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN”, “Lc 24, 13-35”, kết hợp với khối “MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2020” tạo thành khối tròn cách điệu hình ảnh địa cầu mang ý nghĩa quy hướng về khối “Ba hình ảnh người” nổi bật ở trung tâm khối.

– Trích dẫn“Lc 24,13-35” thể hiện trên logo nhắc nhớ người trẻ về đoạn Tin mừng diễn tả cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau. Trích dẫn đơn giản đó cũng nhắc nhở người trẻ về việc sử dụng Kinh Thánh – như kim chỉ nam cho người trẻ để tìm ra ý nghĩa của cuộc đời mình
“Như hai người trẻ trên dường Emmau, các con hãy đến với Chúa Giêsu, tâm sự với Người trong cầu nguyện, lắng nghe lời Người trong Sách thảnh, đón nhận sức sống của Người trong Thánh Thể, nhờ đó biết nhìn cuộc đời với cặp mắt mới và nhận ra Chúa luôn đồng hành với các con.” (HĐGMVN,Thư Chung 2019)

– Cụm từ “ĐỒNG HÀNH VỚI NGƯỜI TRẺ HƯỚNG ĐẾN SỰ TRƯỞNG THÀNH TOÀN DIỆN” là chủ đề được HĐGM VN chọn để hướng đến, đồng hành và cầu nguyện cách riêng cho người trẻ theo tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới về người trẻ đưa ra. Chủ đề như một lời mời gọi, một xác nhận về sứ vụ mà Hội Thánh mong muốn đồng hành với người trẻ, để “Giáo Hội trở thành chỗ dựa vững chắc giúp người trẻ tin đó là nơi họ được thuộc về” (văn bản tiền HĐGM về Người trẻ (Vatican-tháng 11/2018)).

“Như hai người trẻ trên dường Emmau, các con hãy đến với cộng đoàn Giáo hội ở nơi các con đang sinh sống, học hành, làm việc. Đức tin Kitô giáo luôn mang chiều kích cộng đoàn. Các con không sống đức tin một minh, nhưng với cộng đoàn và trong cộng đoàn. Hãy tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, hội đoàn, hoặc cộng đoàn Kitô hữu nhỏ, nhờ đó các con cảm nhận được sự nâng đỡ trong những lúc khó khăn, đồng thời học mở lòng ra trước nhu cầu của tha nhân.” ( HĐGMVN,Thư Chung 2019)

-Cụm từ “MỤC VỤ GIỚI TRẺ 2020”, tên chủ đề chính trong chuỗi 3 năm đồng hành với người trẻ trong các thánh lễ, các hoạt động, để hướng người trẻ về với ý nghĩa lớn nhất của mục vụ là Bí Tích Thánh Thể – sức mạnh và là ân sủng giúp người trẻ tìm lại niềm hạnh phúc thật, kín múc ơn bình an, và sức mạnh để bước tiếp chặng đường sứ mạng cuộc đời Chúa trao cho mỗi người trẻ.
“Như hai người trẻ trên đường Emmau, các con hãy mạnh dạn kể lại cho các bạn trẻ khác về kinh nghiệm đức tin của mình, kể bằng lời và bằng chính cuộc sống tốt lành của các con. Hơn ai hết, chính các con phải là tông đồ cho người trẻ, những người cùng trang lứa, sống trong cùng một thời đại và môi trường với các con. Được như thế, các con sẽ trở thành những sứ giả loan báo Tin mừng của Chúa Kitô Phục sinh cho mọi người, đồng thời góp phần dựng xây quê hương và dân tộc Việt Nam thịnh vượng, công bằng và hạnh phúc.”
( HĐGMVN,Thư Chung 2019)

Ý nghĩa hình ảnh
• Khối ba hình ảnh con người:
*Hình người chính giữa: là hình ảnh cách điệu Chúa Giêsu Phục Sinh trong trang phục áo thụng dài với mảnh vải hình chữ S vắt qua vai. Mảnh vải vừa thể hiện rõ nét và làm sống động hình ảnh Chúa Phục Sinh; vừa vẽ nên hình ảnh con đường khúc khuỷu – đường Emmau mà Ngài đang bước đi cùng hai môn đệ, hay nhắc nhớ cho chúng ta về đoạn Tin Mừng Ga 14,1-6 rằng “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Nén trong dải vải lụa cách điệu hình chữ S, đó còn là biểu tượng đặc trưng mang bản sắc dân tộc Việt, thể hiện khao khát cách riêng của người trẻ Việt muốn ghi dấu niềm tin vào Chúa, cùng theo Chúa bước trên con đường Emmau, được Chúa đồng hành, chăm sóc và vác trên vai như con chiên lạc.

*Hình người hai bên phải trái: tượng trưng cho hai môn đệ trên đường Emmau. Cánh tay vươn lên cao như cách thể hiện sự vui mừng, hoan hỷ của hai môn đệ vì được Chúa Giêsu nắm giữ và đồng hành với họ trên đường Emmau. Nó cũng diễn tả sự vươn lên và trưởng thành về Đức tin của hai môn đệ sau khi được gặp gỡ Chúa.

• Sự liền mạch của kết cấu 3 người trong logo qua cánh tay muốn diễn tả và truyền đi thông điệp về ước mong của người trẻ trong sự gắn kết với sự sống của Đức Kitô và cùng Ngài sống lại và sống mãi. Người trẻ khao khát mình được sống lại như hai môn đệ xưa kia, được Chúa đồng hành, thêm sức, ủi an để vượt qua và đứng vững trước mọi thách đố trong đời; những trở ngại phải trải qua được ví như những con đường quanh co, núi đồi trắc trở. Điều đó cũng diễn tả hành trình mà người trẻ mong muốn được Chúa hướng dẫn để được trưởng thành toàn diện trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống thường nhật.

• Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai môn đệ cũng diễn tả sự quan tâm, quan phòng của Chúa luôn đoái nhìn mỗi người chúng ta. Cuộc đối thoại đó cũng nhắc nhớ người trẻ về ước mong được trò chuyện với Chúa mỗi ngày, và khao khát đón nhận sự đồng hành của Giáo hội trong cuộc sống đời thường.

• Phía trước họ là con đường khúc khuỷu – diễn tả hành trình Emmau mà họ đang đi. Và con đường đó dẫn về Thánh Giá (được đặt cao nhất trong khối logo tròn) như nhắc mỗi người chúng ta cùng bước trên con đường Ngài đã đi qua, dám dấn thân, tin tưởng vào Ánh Sáng Phục Sinh đang lan tỏa và hướng chúng ta về quê trời.

• Những tia sáng và thánh giá đi ra khỏi đường tròn của logo thể hiện tính siêu việt và phá vỡ những giới hạn mà sự Phục Sinh của Chúa mang đến cho người trẻ. Điều đó mang lại hy vọng rằng những giới hạn của bản thân sẽ được phá vỡ khi chúng ta tin vào Ánh Sáng Phục Sinh, tin vào sự đồng hành của Chúa trên tiến trình thăng tiến của mỗi người cách riêng là người trẻ. Sự phát triển toàn diện nhằm hướng người trẻ và mời gọi người trẻ chia sẻ khả năng, sử dụng nén vàng Chúa trao để can đảm dấn thân loan báo Tin mừng như hai môn đệ.

• Màu sắc của logo được sử dụng dựa trên 5 màu chủ đạo mang màu sắc trẻ trung, tươi vui, diễn tả ý nghĩa niềm hy vọng của mầu nhiệm Phục Sinh.

*Sắc Cam của lửa – biểu tượng nguồn ơn Chúa Thánh Thần, của nhiệt huyết, được chọn tô cho hình ảnh Chúa Giêsu, như muốn tập trung nguồn ơn sức mạnh mà người trẻ cần tìm kiếm cho cuộc đời mình chính là Chúa Giêsu.
*Sắc Xanh Dương diễn tả sắc xanh của hy vọng, sự mong chờ niềm vui của ơn cứu độ.
*Sắc Xanh Lá mang sức sống tinh thần của người trẻ, màu sắc của sự tươi mát và tinh thần sống xanh nhắc nhớ người trẻ trong việc chung tay bảo vệ ngôi nhà chung.
*Sự hoà quyện của 3 sắc màu trên hướng tới Thánh Giá màu Đỏ- biểu tượng của tình yêu, nhắc nhớ về sự hy sinh của Chúa trên Thập Giá, về Bí tích Tình Yêu và con đường Trắng diễn tả sự Phục Sinh – con đường hướng người trẻ về quê trời trong hân hoan và vững tin vào mầu nhiệm sống lại của Chúa Giêsu.