Trong đại dịch Covid-19, có lần tôi ngồi trò chuyện với một người bạn nước ngoài về chuyện chiếc khẩu trang. Không chỉ ở Việt Nam, ở bên phương Tây, chuyện đeo khẩu trang cũng được quan tâm nhiều. Khi đại dịch Covid-19 hoành hành, dường như ở đâu cũng xuất hiện thêm một luật chung bắt buộc: mọi người phải đeo khẩu trang khi đi ra đường. Đối với người Việt Nam, việc đeo khẩu trang chỉ là chuyện nhỏ. Người Việt Nam đã có thói quen đeo khẩu trang từ trước khi đại dịch Covid-19 đến. Còn đối với người phương Tây, việc đeo một chiếc khẩu trang trên mặt, là cả một vấn đề. Họ không có thói quen đeo khẩu trang. Đối với họ, khẩu trang chỉ dùng trong bệnh viện thôi. Nói một cách khác, đeo khẩu trang là dấu chỉ cho thấy bạn là một người đang có bệnh.
Ai cũng phải đeo khẩu trang, vì luật buộc là thế. Không ít người cảm thấy khó chịu và không thấy thoải mái khi đeo khẩu trang. Lúc đầu, bạn tôi cũng cho rằng, việc đeo khẩu trang chỉ là hình thức để chúng ta yên tâm thôi, chứ khẩu trang cũng không giúp gì nhiều trong việc phòng tránh lây nhiễm virus. Với lại đeo khẩu trang thấy nhiều bất tiện và ngột ngạt lắm. Đôi lúc bạn ấy đã tự ý không đeo khẩu trang, vì thấy mình vẫn khỏe mạnh. Cho đến một lần kia, một cụ bà lom khom bước đến gần và nhẹ nhàng nhắc nhở, phải đeo khẩu trang nơi công cộng. Sau lần bị nhột nhột ấy, bạn đã vui vẻ đeo khẩu trang mỗi khi đi tới nơi công cộng, vì bạn nghĩ rằng: mặc dù mình cảm thấy vẫn ổn, nhưng nên tôn trọng người khác nữa.
Trong cuộc sống thường ngày, không ít lần chúng ta cảm thấy cuộc sống thật nặng nề vì có quá nhiều nguyên tắc, quá nhiều các luật lệ phải giữ. Nhưng chỉ khi nào, ta ý thức mình đang sống chung trên một con thuyền với những người khác, và chỉ khi biết sống vì nhau, thì ta mới nhận ra mỗi ngày là một niềm vui. Mặt khác, nếu chỉ chăm chăm cố giữ luật, thì đôi lúc ta sẽ bối rối, phải ưu tiên giữ điều nào trước, điều nào sau… Ví dụ như người Do Thái có 613 điều răn phải giữ, câu hỏi thường được bàn tán giữa các Ráp-bi Do Thái là „điều răn nào quan trọng nhất?”
Có lẽ, đã nhiều lần chúng ta lúng túng chẳng biết nên đối xử với những người xung quanh thế nào. Như khi đại dịch Covid-19 đến, nó làm đảo lộn tất cả cuộc sống của con người. Nhiều người bị rơi vào tình trạng bấn loạn và quên mất mình phải đối xử với người khác thế nào. Họ chỉ chăm chú đi tìm sự an toàn cho riêng mình, mà không cần quan tâm đến sự hiện diện của những người xung quanh. Cho nên, để không bị rơi vào tình trạng hoảng loạn khi những điều bất ngờ xảy đến, chúng ta cũng cần xác định cho rõ „điều nào là quan trọng nhất”.
Trong Tin Mừng Chúa Nhật 30 thường niên hôm nay, Chúa Giê-su đã trả lời một cách rõ ràng: Điều răn quan trọng nhất: „Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi… Và ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” Ngài còn giải thích thêm: „Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”[1]
Điều quan trọng nhất Chúa Giê-su thực sự muốn nói là gì?
Tình yêu là điều quan trọng nhất. Ngài khẳng định: tình yêu phải là động lực duy nhất hướng dẫn mọi hành động và lối sống. Tình yêu ấy không chỉ hướng vào chính mình, mà còn hướng lên trên và hướng ra. Mọi nguyên tắc khác của cuộc sống đều tùy thuộc vào luật yêu thương.
Trong các sách Tin Mừng, không chỉ một lần, mà nhiều lần Đức Giê-su nhắc đi nhắc lại với các môn đệ: mến Chúa và yêu người không phải là hai tình yêu khác nhau, nhưng mà chỉ là một tình yêu. Trong kinh nghiệm thường ngày, chúng ta thấy rằng nói yêu Chúa thì dễ hơn, chứ nói yêu thương người hàng xóm sống bên cạnh, thì nói không được. Yêu mến Thiên Chúa, thường được hiểu là siêng năng cầu nguyện, thờ phượng, kính mến và sống theo những điều Chúa dạy… Còn yêu thương người khác, là tình yêu phải được diễn tả bằng hành động cụ thể: tha thứ, yêu thương và chấp nhận… Cho nên, yêu thương người khác chẳng dễ chút nào, nhất là đối với những người mình không thích, không ưa chút nào…
Nhưng con đường đi qua tha nhân, lại là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Thánh Gio-an tông đồ xác tín: „Ai không sống yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” và „Ai nói yêu Chúa, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối”.[2] Chúng ta sẽ không biết yêu mến Thiên Chúa là gì, nếu chúng ta không yêu mến người thân cận như chính mình. Nói một cách khác: bạn sẽ biết bạn yêu mến Thiên Chúa đến mức nào, khi bạn duyệt xét lại tình yêu bạn dành cho những người đang sống xung quanh mình.
Trước khi từ biệt các môn đệ yêu quý, Chúa Giê-su nhắc lại: „Điều răn Thầy truyền dạy cho anh em là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu mến anh em… Và người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, nếu anh em biết yêu thương nhau.” Như thế, để được gọi là người môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta không được lược bỏ một trong hai chiều kích của tình yêu.
Đức thánh cha Phan-xi-cô cũng đã quả quyết rằng: tình yêu Thiên Chúa và tha nhân không thể tách biệt. Sẽ là ảo tưởng nếu chúng ta yêu tha nhân, nhưng lại không yêu mến Thiên Chúa; và cũng vậy, sẽ là ảo tưởng nếu yêu mến Thiên Chúa mà không yêu mến tha nhân. Sự hiệp nhất hai chiều kích của tình yêu, đối với Thiên Chúa và tha nhân, là đặc điểm của người môn đệ Chúa Giê-su.[3]
Những ngày gần đây, chúng ta vui mừng có thêm một vị chân phước trẻ Carlo Acutis. Đời sống của ngài cho thấy mến Chúa và yêu người không phải là hai mảnh ghép tách rời nhau. Như nhận xét của Đức cha Domenico Sorentino: ” Chương trình sống của Carlo luôn kết hợp với Chúa Giê-su – tình yêu của ngài đối với Bí tích Thánh Thể, lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, và làm bạn với người nghèo…”[4]
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trở nên người môn đệ đích thực của Đức Giê-su. Xin cho chúng con cảm nếm được tình yêu mà Chúa dành cho con, để con cũng biết sống yêu thương người khác. Amen.
Văn Ngữ, SJ
[1] Mt 22,23-40
[2] Xem 1 Ga 4,7-21
[3] ĐTC Phan-xi-cô: Tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân không thể tách rời: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2018-11/dtc-phanxico-tinh-yeu-thien-chua-tha-nhan-khong-tach-roi.html
[4] Lễ phong chân phước cho thiên tài tin học tuổi teen Carlo Acutis: https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-10/le-phong-chan-phuoc-carlo-acutis.html
Link bài viết trên trang web Dòng Tên: https://dongten.net/2020/10/22/chi-mot-tinh-yeu/