Sau cái chết của Thầy Giê-su, các môn đệ sợ hãi và chạy trốn. Họ bị tổn thương và sợ hãi về những điều tiếp theo có thể xảy đến cho mình. Tuy nhiên, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, các ông được biến đổi thành con người mới. Họ không còn sợ hãi và vô tín nữa. Đây là bước ngoặt quan trọng trong hành trình trở thành người môn đệ thực sự của Đức Ki-tô. Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại, sau khi lãnh nhận Thánh Thần, ông Phê-rô đứng trước dân chúng đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem và lớn tiếng loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô.[1] Thánh Thần đến và biến đổi các môn đệ thành những người mạnh dạn lên đường, Giáo hội trở nên sống động.

Khi còn ở với các môn đệ, Đức Giê-su đã hứa ban Chúa Thánh Thần cho các ông. Chỉ có Tin mừng Lu-ca và Tin mừng Gio-an tiếp tục kể về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần, và cho thấy đây là một biến cố quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Giáo hội. Các Ki-tô hữu đầu tiên hiểu rõ hơn ai hết về những gì đang xảy ra giữa họ! Chúa Thánh Thần đến ở với họ. Ngài cùng hoạt động và làm cho họ trở nên sống động.

Hôm nay cả Giáo hội hoàn vũ mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.[2] Chúng ta được mời gọi suy ngẫm về Chúa Thánh Thần, Ngôi Thứ Ba của Thiên Chúa. Ngài là món quà tuyệt vời, được ban cho các môn đệ và cho chúng ta. Đôi lúc chúng ta cho rằng, những tín hữu đầu tiên hạnh phúc hơn, vì họ được sống cùng thời với Đức Giê-su. Nhưng chính Đức Giê-su đã khẳng định, sẽ tốt hơn cho các môn đệ, khi Ngài ra đi. Tại sao? Bởi vì sau đó, Ngài sẽ gửi Đấng Bảo Trợ, Chúa Thánh Thần, là Thần Chân Lý. Đấng sẽ dẫn họ đến Sự Thật toàn vẹn. Cho nên, thời đại mà chúng ta đang sống, là thời đại của Chúa Thánh Thần. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, cả Ba Ngôi Thiên Chúa có thể ngự trị trong mỗi người chúng ta. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa nói qua các tiên tri. Sau đó, Thiên Chúa bày tỏ chính mình, qua Người Con. Giờ đây, qua Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa có thể sống trong chúng ta, và biến linh hồn chúng ta thành nơi ở của Ngài.

Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tín hữu, Ngài mang đến sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Con. Nếu thành tâm nhìn vào bên trong lòng mình, chúng ta khám phá ra tiếng nói của Chúa Cha, và lời mời gọi sống theo thánh ý của Ngài. Chúng ta cũng sẽ nhận ra Chúa Con, Đấng mà chúng ta được mời gọi bắt chước, và kết hiệp mật thiết với Ngài. Tất cả những điều này chỉ có thể xảy ra được, nhờ Chúa Thánh Thần. Ngài ngự xuống trên chúng ta, như cách mà Ngài đã ngự xuống trên Đức Ma-ri-a, và Đức Mẹ thụ thai Con Thiên Chúa.[3] Khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng ta, Thiên Chúa được sinh ra trong tâm hồn chúng ta, và chúng ta sẽ nhận được sự sống của Thiên Chúa.

Thiên Chúa Ba Ngôi đang làm việc trong thế giới hôm nay. Chúng ta được mời gọi nhận ra sự hoạt động của Thiên Chúa, và cùng cộng tác với Ngài. Cách duy nhất để chúng ta có thể đụng chạm vào mầu nhiệm sâu xa này bằng việc suy ngẫm và cầu nguyện. Chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, và sự hoạt động của Ngài trong tâm hồn chúng ta. Nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra những hoa trái của sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống của chúng ta.

Ý muốn của Chúa Cha, là con người được hòa giải với Ngài; Chúa Con đã thực hiện sự hòa giải này; và Chúa Thánh Thần đang hoàn thành công việc hòa giải trong cuộc sống của chúng ta. Trọng tâm của ơn cứu độ là sự giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và làm hòa với Thiên Chúa. Bài Tin Mừng hôm nay nói cho chúng ta biết, Đức Giê-su đã ban tặng ân sủng đặc biệt là Chúa Thánh Thần cho các Tông đồ, và ủy thác cho các ngài quyền tha tội nhân danh Ngài: „Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” (Ga 20,22b-23)

Hôm nay chúng ta cử hành đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, đây là cơ hội tốt để chúng ta suy ngẫm về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của chúng ta. Một trong những cách tốt nhất để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động trong cuộc sống của chúng ta là qua Bí tích Hòa giải.

Khi chúng ta hòa giải với Chúa Cha, chúng ta bắt đầu sống trong ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ nhận được bảy ân sủng của Chúa Thánh Thần.[4] Những ơn về trí hiểu: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn biết lo liệu. Ơn khôn ngoan giúp chúng ta thông hiểu về Thiên Chúa hơn. Ơn hiểu biết giúp chúng ta nhận ra sứ mạng của mình dưới ánh sáng của Tin Mừng. Ơn biết lo liệu giúp chúng ta đưa ra những quyết định thiết thực phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa.

Ơn kính sợ Chúa và ơn đạo đức giúp chúng ta yêu mến Thiên ChúaƠn kính sợ Chúa giúp chúng ta nhận ra các chọn lựa của mình giúp ích, hay cản trở mối quan hệ của chúng ta với Chúa. Ơn này giúp chúng ta tránh những gì làm tổn thương đến mối quan hệ của ta với Thiên Chúa, và khuyến khích ta chọn những gì củng cố mối quan hệ đó. Ơn đạo đức giúp chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt mỹ của Thiên Chúa, và giúp chúng ta có lòng tôn kính sâu xa đối với Ngài.

Ơn an ủi và ơn sức mạnh giúp chúng ta vững vàng tiến bước trong đức tin và đức mến. Ơn sức mạnh giúp chúng ta sống lời khuyên yêu thương người thân cận như chính mình.

Như vậy, để nhận được những ân sủng của Chúa Thánh Thần, và các ơn cần thiết cho hành trình đức tin của mình, chúng ta cần phải bắt đầu với ơn nền tảng nhất, là ơn giao hòa với Thiên Chúa, qua Bí Tích Hòa Giải. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đã trao ban ơn tha tội cho „các linh mục đầu tiên” của Ngài, và Ngài mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng đón nhận quà tặng đó. Vì Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được sống tự do là con cái Thiên Chúa, và sinh nhiều hoa trái trong đời sống của chúng ta.

Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy đến và đổi mới tâm hồn chúng con!

Văn Ngữ, SJ

[1] Xem Cv 2,1-36: Ngày lễ Ngũ Tuần, và ông Phê-rô giảng cho dân chúng.

[2] Tin Mừng Lễ Chúa Thánh Thánh Thần Hiện Xuống năm A (Ga 20,19-23).

[3] Truyền tin cho Đức Ma-ri-a (Lc 1,26-38).

[4] Bảy Ơn Chúa Thánh Thần (có thể đọc thêm: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/bay-on-chua-thanh-than-29665)

Link bài viết trên trang web Dòng Tên: https://dongten.net/suy-tu-tin-mung-cn-thoi-dai-cua-chua-thanh-than/