Nỗi sợ hãi luôn hiện diện trong cuộc sống của con người. Chúng ta sợ rất nhiều thứ. Khi còn nhỏ, chúng ta sợ sấm sét, sợ bóng tối, sợ ở một mình…. Thông thường, chúng ta sợ những điều đe dọa đến sự an toàn của mình. Khi trưởng thành hơn, chúng ta vẫn phải đối diện với nhiều nỗi sợ khác. Nhất là nỗi sợ về cái chết. Thực ra, không phải nỗi sợ nào cũng giống nhau. Có những nỗi sợ lành mạnh, giúp ta trưởng thành hơn. Nhưng cũng có những nỗi sợ mù quáng cần phải gạt bỏ. Vì nếu không nhận diện được những nỗi sợ bên trong mình, chúng ta sẽ bị chúng ám ảnh, đeo bám và làm cho chúng ta sống trong khép kín, mất cân bằng và khó mà trưởng thành lên được.
“Đừng sợ” là một chủ đề xuất hiện thường xuyên trong Kinh Thánh. Kinh Thánh nói cho chúng ta biết: khi Thiên Chúa xuất hiện trong cuộc đời chúng ta, thì “đừng sợ!” thường là lời đầu tiên của Ngài. Thiên Chúa luôn trấn an con người. Đừng sợ người ta, đừng sợ điều gì khác, và cũng đừng sợ Ngài. Vì Thiên Chúa đâu phải là bạo chúa thích xét đoán và muốn trừng phạt con người! Sự hiện diện của Thiên Chúa luôn đem lại sự chữa lành và niềm an vui, chứ không phải là sự hoang mang và sợ hãi.
Khi sai các môn đệ đi truyền giáo, Đức Giê-su nói với các môn đệ anh em đừng sợ.[1] Đức Giê-su biết rõ, các môn đệ của Ngài sẽ không thoát khỏi sự bắt bớ. Trong lịch sử của Is-ra-el, người ta đã bắt bớ các tiên tri, và chính Ngài cũng bị họ bắt bớ và đóng đinh vào thập giá. Vì thế, số phận của các môn đệ cũng có thể bị đối xử thô bạo như thế. Cho nên, trong bài Tin Mừng hôm nay,[2] Đức Giê-su khích lệ các môn đệ hãy can đảm, đừng sợ!
Sợ hãi trước sự bắt bớ là phản ứng rất tự nhiên. Tuy nhiên, Đức Giê-su đưa ra ba lý do để trấn an các môn đệ đừng sợ hãi:
Thứ nhất, những điều che giấu, sẽ được tỏ lộ.[3] Sự bắt bớ sẽ làm tỏ lộ các mầu nhiệm Nước Trời. Trong gian truân thử thách, nếu tin tưởng và trung thành với Thiên Chúa, người môn đệ sẽ nhận ra khuôn mặt yêu thương của Ngài, và những người khác sẽ nhận biết Tin Mừng của Thiên Chúa.
Thứ hai, sự sống đích thật bao gồm cả hồn lẫn xác.[4] Những kẻ bắt bớ chỉ làm hại được thân xác. Họ không thể đụng chạm đến sự sống quý giá bên trong của anh em. Cho nên, đừng sợ người ta! Không phải, vì họ không làm được gì chúng ta. Thực ra, những kẻ bách hại, họ có thể làm rất nhiều điều, khiến ta sợ hãi. Nhưng họ chỉ có thể làm hại đến thân xác, chứ không thể đụng chạm đến sự sống thật trong linh hồn mỗi người.
Lý do cuối cùng, đừng sợ! Vì Thiên Chúa luôn quan phòng.[5] Tất cả những gì xảy ra cho người môn đệ, sẽ không nằm ngoài kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa. Ngài có thể vẽ đường thẳng từ những đường cong. Những khó khăn và đau khổ muốn gây lên nỗi sợ hãi, để làm chùn bước người rao giảng Tin Mừng. Nhưng đừng lo, Thiên Chúa có cách của Ngài. Tất cả những đau khổ ấy không vô nghĩa. Chúng đều có giá trị của nó.
Tuy nhiên, đừng sợ không có nghĩa là liều mạng và thiếu sự thận trọng. Người môn đệ luôn được mời gọi “đọc ra” những dấu chỉ và sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Trên bước đường truyền giáo, người môn đệ phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu. Một mặt, người truyền giáo không được quá ngây thơ trước những sự dữ, để rồi “bỏ mạng” một cách lãng phí. Mặt khác, không nên quá lo lắng về những gì có thể xảy đến, kể cả việc hy sinh mạng sống. Vì nỗi sợ về cái chết có thể làm cho người môn đệ bị tê liệt hoàn toàn. Bên cạnh đó, người môn đệ được mời gọi khôn ngoan – dùng tất cả những tài năng và phương tiện mình có để cho Nước Chúa mau trị đến.
Một điều khác, chúng ta được mời gọi suy ngẫm thêm: Tại sao Kinh Thánh luôn nhấn mạnh: “kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan”[6]? Nỗi sợ ở đây không phải là sợ hãi vì bị đe dọa. Nỗi sợ mà các nhà hiền triết và Kinh Thánh muốn nhắc đến là „nỗi sợ lành mạnh”. Không giống như nỗi sợ khi ta gặp một tay bạo chúa khét tiếng, hay một kẻ hung dữ thích bắt nạt. Nỗi sợ lành mạnh này xuất phát từ lòng kính trọng, yêu mến và vâng phục trước Đấng Tối Cao. Cũng như kinh nghiệm, khi chúng ta yêu thương ai đó tha thiết và thật lòng, chúng ta sẽ đối diện với một nỗi sợ hãi lành mạnh. Sợ rằng có thể mình làm điều gì đó khiến người yêu buồn lòng. Trong mối tương quan với Thiên Chúa cũng thế, ai yêu mến Thiên Chúa thật lòng, thì cảm nhận được về nỗi sợ này – sợ đánh mất mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa. Cho nên, khi đứng trước một quyết định, mặc dù người ấy có đủ tự do để chọn điều mình thích, kể cả điều ngược với các giới răn Chúa dạy, nhưng người ấy vẫn chọn sống theo luật Chúa dạy, dù phải chịu hy sinh. Người ấy chọn như thế, không phải vì sợ bị phạt vào lửa hỏa ngục đời đời, nhưng sợ mình chọn lựa sai và đánh mất mối tương quan thân tình với Thiên Chúa. Đó là nỗi sợ lành mạnh. Nỗi sợ đặt nền trên tình yêu và lòng tôn kính, chứ không phải là sự sợ hãi sai lầm.
Như vậy, có thể tạm kết luận, chỉ có một điều đáng để chúng ta kính sợ, là Thiên Chúa. Ngoài ra, chúng ta không phải sợ ai hết.[7] Tuy nhiên, chính Thiên Chúa cũng không muốn chúng ta sợ Ngài. Khi còn sống với các môn đệ Đức Giê-su nhiều lần nói với các môn đệ “Thầy đây, đừng sợ!”[8]
Sứ mạng truyền giáo không chỉ dành riêng cho các tông đồ và cho những người đi tu, nhưng là lời mời gọi dành cho tất cả mọi người. Hành trình rao giảng Tin Mừng luôn đòi hỏi phải can đảm và hy sinh. Xin cho mỗi người chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, không sợ khổ, không sợ vất vả, không sợ chết… để tự do cất bước lên đường đi loan báo Tin Vui đến cho mọi người.
Văn Ngữ, SJ
[1] Bài Tin Mừng hôm nay nằm trong phần Bài Giảng Về Sứ Mạng Truyền Giáo (Mt 10,1-42).
[2] Tin Mừng Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A (Mt 10,26-33): Hãy nói giữa ban ngày, đừng có sợ!
[3] Xem Mt 10,26.
[4] Xem Mt 10,28.
[5] Xem Mt 10,29-30.
[6] Xem (Tv 111,10). Câu này là một trong những nguyên lý thiết yếu thuộc đạo lý các nhà hiền triết (x. Cn 1,7; 9,10; 15,33; G 28,28; Hc 1,14.20) – theo chú thích của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
[7] “Trước mặt chúng, người đừng run sợ; nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.” (x. Gr 1,17)
[8] Xem Ga 6,20.
Link bài viết gốc: https://dongten.net/suy-tu-tin-mung-cn-dung-so/