Hôm nay, Chúa Nhật IV mùa Chay hay còn được gọi với một cái tên khác là Chúa Nhật “áo hồng” hay Chúa Nhật của “mừng vui”. Linh Mục sẽ mặc sắc áo hồng thay vì áo tím. Vậy ý nghĩa của màu áo hồng trong Phụng Vụ là gì? Hôm nay chúng ta cùng đi tìm hiểu về ý nghĩa các màu áo của Linh Mục trong Phụng Vụ nhé!
Trước hết, khi tham dự thánh lễ Chúa Nhật IV mùa Chay, ở ca nhập lễ ta bắt gặp lời mời gọi: “Mừng vui lên, hỡi Giêrusalem” (Is 66,10)… đó chính là lý do hôm nay còn được gọi với một cái tên khác là Chúa Nhật “mừng vui”. Chúa Nhật “mừng vui” là chút dừng chân tạm nghỉ trong cuộc hành trình dài màu tím, để thêm hân hoan trên chặng đường mới. Ngoài ra, Chúa Nhật “áo hồng” này còn cho ta nếm hưởng trước hương vị của ngày Chúa Nhật Phục Sinh.
Vậy nên, theo như hướng dẫn chữ đỏ của Sách lễ Rôma: “In hac Missa adhibetur color violaceus vel rosaceus” (Trong Thánh Lễ này, có thể sử dụng áo tím hoặc áo hồng). Vì đó, màu áo hồng (Pink) của Linh Mục trong Phụng Vụ thể hiện niềm vui trước kì hạn của màu thống hối, là màu được pha trộn giữa màu đỏ (tượng trưng cho tình yêu Thiên Chúa) và màu trắng, hoặc màu tím (tượng trưng cho ăn năn). Ngoài ra, Linh Mục còn mặc áo hồng trong Chúa Nhật III Mùa Vọng, với phần mời gọi của giáo hội: “Anh chị em hãy luôn vui mừng trong Chúa” (Phil 4,4).
Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu về ý nghĩa của màu áo đỏ (Red). Như đã nói ở trên, không những màu đỏ tượng trưng cho tình yêu Thiên Chúa mà màu đỏ còn thể hiện cho lòng mến yêu, sự hy sinh đến chết vì Chúa, hiến dâng cuộc sống cho Thiên Chúa. Vì lẽ đó, áo đỏ được Linh Mục sử dụng trong các thánh lễ: Chúa Nhật lễ lá, Thứ sáu Tuần Thánh, Lễ các thánh Tông đồ tử đạo, lễ các thánh tử đạo, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, lễ suy tôn Thánh Giá. Ngoài ra màu đỏ cũng có thể mặc trong các ngày lễ thêm sức và chịu chức cũng như thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng.
Để chỉ sự ngây thơ trong trắng, tinh tuyền thanh khiết, thánh thiện và chiến thắng, giáo hội dùng màu trắng để cử hành Phụng Vụ. Màu áo trắng còn thể hiện ánh sáng của Chúa. Vì thế, áo màu trắng (White) được các Linh Mục mặc trong các dịp lễ lớn như: lễ Giáng Sinh, lễ Ba Vua, Thứ Năm Tuần Thánh, các ngày vọng Phục Sinh, lễ Phục Sinh, lễ Thăng Thiên, lễ Đức Mẹ Lên Trời và lễ các thánh không tử đạo, lễ Kitô Vua, lễ Thánh Tâm, lễ Thánh Thể, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, lễ Truyền Tin, lễ Ba ngôi, lễ Hiển Linh… Và trong các lễ rửa tội và đám cưới.
Như cộng đoàn đã biết, mùa Thường Niên là mùa dài nhất trong một năm Phụng Vụ của giáo hội, mùa thể hiện sự vui tươi, nhiệt thành và hy vọng. Linh mục dùng màu áo xanh (Green) để cử hành các thánh lễ trong mùa Thường Niên.
Cuối cùng là màu áo tím (Violet), màu tím biểu hiện của tha thứ, chờ đợi, ăn năn. Linh Mục cử hành các Thánh Lễ trong Mùa Vọng và Mùa Chay với y phục màu tím. Ngoài ra, màu áo tím cũng được dùng trong bí tích hòa giải và thay thế màu đen ngày xưa dùng trong các buổi phụng tự và thánh lễ cho người quá cố.
Như vậy chúng ta đã tìm hiểu qua 5 màu áo chính được sử dụng trong Phụng Vụ Thánh Lễ của giáo hội. Hi vọng với kiến thức nhỏ bé này, cộng đoàn có thể nắm rõ được ý nghĩa của các màu áo mà Linh Mục mặc khi cử hành Thánh Lễ.
Tác giả bài viết: Giuse Phan Văn Tiến
Phần hỏi – đáp
H1: Cảm ơn anh về việc chia sẻ ý nghĩa của các màu áo mà các Linh Mục mặc khi cử hành Thánh Lễ, nhưng hình như anh còn đề cập thiếu màu áo Vàng thì phải, vì em thấy các Linh Mục thỉnh thoảng vẫn mặc áo Vàng ạ?
T1: Cảm ơn câu hỏi của bạn, em/mình xin được phép trả lời câu hỏi như sau. Ở trên, em/mình có nói đến 5 màu áo chính được sử dụng trong Phụng Vụ Thánh Lễ của giáo hội. Ngoài ra, một vài thánh lễ, Linh Mục được phép sử dụng y phục vàng để cử hành Phụng Vụ. Màu vàng (Gold) thể hiện cho ánh sáng quý báu và vương quốc Chúa Kitô. Vậy nên y phục vàng có thể được dùng trong các ngày lễ trọng thể, các ngày lễ hội, đặc biệt ngày lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh, các lễ cao điểm của năm Phụng Vụ. Xin lưu ý, y phục vàng được sử dụng trong những Thánh Lễ ấy là vàng Gold hay vàng kim loại. Màu vàng nếu không pha trộn chung với màu vàng kim loại thì không được dùng.
H2: Em đã đọc những gì anh chia sẻ ở trên, rất cảm ơn anh vì những chia sẻ quý báu ạ. Nhưng em thấy trong những thánh lễ cưới, có Linh Mục lại mặc áo hồng và cũng có Linh Mục lại mặc áo trắng mà ở trên anh chỉ đề cập chỉ có áo trắng mới được sử dụng trong lễ cưới mà thôi. Quan điểm của em thì nghĩ, lễ cưới là một ngày thể hiện niềm vui của đôi bạn trẻ và cũng là niềm vui của hai bên gia đình nên em nghĩ Linh Mục mặc áo hồng cũng hợp lý ạ. Không biết quan điểm của em có đúng hay không, mong anh giải đáp giúp em ạ?
T2: Cảm ơn câu hỏi của bạn, em/mình xin được phép trả lời câu hỏi như sau. Màu hồng là màu thể hiện cho niềm vui, nhưng đó là niềm vui trước kì hạn. Giáo hội muốn cho chúng ta dừng chân một chút trong hành chình dài màu tím để thêm hân hoan trên chặng đường mới. Mà thánh lễ Hôn Phối được diễn ra khi hai đôi bạn trẻ đã có thời gian tìm hiểu nhau, đã trải qua một hành trình dài yêu thương, học giáo lý, nghiêm túc, trưởng thành và sẵn sàng hi sinh cho nhau nên đó phải là một niềm vui trọn vẹn chứ không phải là niềm vui trước kì hạn nữa. Vì thế, người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ trở thành “một xương một thịt”. Màu trắng thể hiện ánh sáng của Chúa Ki-tô, ánh sáng của Tin Mừng, sự tinh tuyền thanh khiết và thánh thiện sẽ là kim chỉ nam soi dẫn cho đôi bạn trẻ và con cái của họ rợp theo gương mẫu gia đình Thánh Gia. Vậy nên, trong các thánh lễ Hôn Phối, Linh Mục mặc y phục trắng như em/mình đã đề cập ở trên là đúng với Phụng Vụ giáo hội.
H3: Anh cho em hỏi, em để ý Linh Mục có thể cử hành rất nhiều Thánh Lễ nhưng ngài lại mặc 2 loại áo lễ trong một ngày. Em không biết điều đó là thế nào, mong anh trả lời giúp em thắc mắc này ạ?
T3: Cảm ơn câu hỏi của ban, em/mình xin được phép trả lời câu hỏi như sau. Đó là vì Linh Mục ấy đã cử hành một thánh lễ theo mùa và một thánh lễ ngoại lịch. Thánh lễ theo mùa chính là cử hành Thánh Lễ như trong lịch Phụng Vụ chung Rôma. Thánh lễ ngoại lịch là Giáo hội hoàn vũ hay Giáo hội địa phương dành riêng một ngày nào đó để mừng kính: Đức Mẹ, Thánh Giuse, các Thánh… để tôn vinh các Ngài. Em/mình lấy ví dụ. Ngày 19/3 như mọi người đã biết đó là ngày mừng kính Thánh Giuse – Bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria. Đây là một Thánh lễ ngoại lịch. Ở giáo xứ Nam Điền có truyền thống tốt đẹp đó là ngày hôm ấy sẽ tổ chức thánh lễ cho các cặp đôi mừng Ngân Kim Ngọc Khánh. Để Thánh lễ diễn ra một cách sốt sắng, cha xứ sẽ tổ chức vào ban chiều để cộng đoàn tham dự đông đảo hơn. Hôm đó, Linh Mục sẽ mặc áo trắng theo đúng ý nghĩa màu áo. Ngày 19/3 năm nay rơi vào thứ sáu theo Tây Lịch, theo lịch lễ chung của giáo xứ, thứ sáu sẽ chỉ có lễ sáng mà thôi. Vậy ngài có thể dâng lễ vào buổi sáng như lịch lễ Rôma và ngài mặc y phục tím (vì thời gian này vẫn đang là mùa Chay). Vậy trong ngày hôm đó, với 2 thánh lễ, Linh Mục đã mặc 2 màu áo khác nhau. (Tất nhiên các bài đọc và bài Tin Mừng của 2 thánh lễ đó là khác nhau). Hi vọng câu trả lời của em/mình sẽ làm bạn hiểu rõ.
H4: Em chào anh ạ, em thấy vào ngày lễ kính các thánh Tông Đồ thì ngày 28/12, ngày kính thánh sử Gioan Linh Mục lại mặc áo trắng, không biết vị thánh sử này có gì đặc biệt ạ?
T4: Cảm ơn câu hỏi của bạn, em/mình xin được phép trả lời câu hỏi như sau. Màu áo đỏ được mặc trong ngày lễ kính các thánh Tông đồ nhưng mà là các thánh tử đạo. Thánh sử Gioan là vị thánh duy nhất không tử đạo trong 12 Tông đồ của Chúa, theo như em/mình tìm hiểu là Ngài chết già. Vậy nên ngày lễ kính thánh sử Gioan Tông đồ, Linh Mục sẽ mặc y phục trắng.
H5: Anh cho em hỏi, em còn nhìn thấy có một số màu áo lễ như màu đen, màu trắng có đính kim tuyến. Không biết ý nghĩa của những màu áo đó là gì ạ? Và màu đen em thấy hầu như không có Linh Mục nào mặc ạ?
T5: Cảm ơn câu hỏi của bạn, em/mình xin được phép trả lời câu hỏi như sau. Màu trắng theo như bạn miêu tả đó chính xác được gọi là màu bạc. Màu bạc thì cũng có thể dùng như màu trắng và ý nghĩa cũng tương tự màu trắng mà thôi. Ngoài ra màu bạc ấy cũng có thể được sử dụng trong các thánh lễ như T1. Còn màu đen, trước Công đồng Vaticano II, màu đen được sử dụng trong các thánh lễ an táng cho người quá cố (ngoại trừ thánh lễ an táng của Đức Giáo Hoàng) nhưng sau công đồng Vaticano II, màu đen đã được thay thế thành màu tím vì ngoài ý nghĩa của màu tím ở trên, màu tím còn biểu hiện cho sự hi vọng. Niềm tin của người Ki-tô hữu: Chết không phải là hết mà là sự biến đổi bước vào cuộc sống mới. Cuộc sống đích thực của mỗi người Ki-tô hữu là được sống trên Thiên Quốc.