PHAOLÔ MỚI CỦA DÒNG TÊN

PHAOLÔ MỚI CỦA DÒNG TÊN

Đọc lại cuộc đời của thánh Phaolô Tông Đồ, ta nhận thấy: nét đẹp nhất nơi Phaolô là cú ngã ngựa lịch sử. Qua biến cố trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Từ đây cuộc đời của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca. Thiên anh hùng ca của vị Tông Đồ say mê chinh phục các linh hồn, đã sống và đã chết cho Đức Kitô Phục Sinh.

Cũng được mệnh danh là Phaolô của thế kỷ XVI, thánh Phanxicô Xaviê luôn thao thức về số phận của những linh hồn chưa bao giờ được nghe Tin Mừng. Lời Chúa Giêsu:“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (1) luôn vang vọng và thôi thúc ngài đến với Á Châu, đến với những con người chưa biết Chúa. Ngài luôn mang trong mình hai tình yêu đã nên một: tình yêu người Bạn Đường Giêsu và tình yêu các linh hồn.

CON NGƯỜI TRỔI VƯỢT VỀ TRI THỨC

Phanxicô chào đời ngày 07/04/1506 tại lâu đài Xaviê (2) gần thành phố Pamplona, miền Navarra, nước Tây Ban Nha, là con út trong một gia đình giàu sang, quyền quý và vị vọng. Phanxicô có trí thông minh đặc biệt, nên khi lên 19 tuổi, ngài được gửi đến học tại học viện Sainte Barbe, Paris. Sau khi tốt nghiệp văn chương và triết lý, Phanxicô được bổ nhiệm làm giáo sư triết lý tại đại học Paris. Vị giáo sư trẻ Phanxicô sớm nổi tiếng và được ca tụng trong giới sinh viên đại học thời bấy giờ. Ngài miệt mài chạy theo danh vọng trần tục, một lòng coi thế gian là tất cả.

BIẾN CỐ “NGÃ NGỰA”

Những tưởng vị giáo sư trẻ Phanxicô sẽ còn tiến xa hơn trên con đường công danh và sự nghiệp, thế nhưng, qua trung gian là thánh Inhaxiô, câu Lời Chúa:Nếu được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (3) đã chinh phục và làm thay đổi tận căn con người vốn thông minh và đầy tham vọng ấy. Kể từ đó, Phanxicô đã hoàn toàn xác tín vào kế hoạch nhiệm mầu của Chúa và nguyện trở nên khí cụ đắc lực của Tin Mừng.

Ngày 15/08/1534, cùng với Inhaxiô và năm anh em khác, Phanxicô đã dâng lời khấn khó nghèo, giữ đức khiết tịnh và sống cộng đoàn để “cùng nhau phục vụ Chúa”, khai nguyên Dòng Tên. Ngày lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả 24/06/1537, tại Venise, Phanxicô được lãnh nhận thiên chức linh mục. Từ giây phút đó, vị linh mục trẻ gia tăng việc ăn chay, hãm mình, suy niệm và thực hành các việc tông đồ: giải tội và giảng thuyết ở nhà thờ Thánh Luy, cũng như dạy giáo lý cho trẻ em (4) nhằm không ngừng thánh hóa bản thân và chuẩn bị hành trang cho sứ vụ mà Chúa sắp trao phó.

THIÊN ANH HÙNG CA TẠI VÙNG Á CHÂU

Năm 1539, khi Phanxicô nhận được tin Đức Thánh Cha Phaolô III sai đi truyền giáo cho dân tộc Ấn Độ, ngài mau mắn đón nhận, chuẩn bị tư trang: hai chiếc quần và một chiếc áo dòng cũ, (5) rồi hăng hái lên đường. Với con tim rực cháy lửa mến Chúa và khát khao chinh phục các linh hồn đã đưa Phanxicô vượt đại dương đến với miền Viễn Đông xa xôi, đầy khó khăn và nhiều khác biệt. Cũng nhờ lòng nhiệt thành truyền giáo đó, ngài đã can đảm gặp gỡ các vị lãnh chúa miền Á Đông, tiếp xúc với các tôn giáo truyền thống như Ấn giáo, Hồi giáo, Phật giáo và Khổng giáo. Trên tất cả, ngài luôn trăn trở làm sao đem Chúa Giêsu và Tin Mừng Tình Yêu đến với tất cả những ai chưa có cơ hội nhận biết Người.“Tôi tin rằng, ai thực lòng yêu mến Thánh giá Chúa Kitô sẽ tìm thấy an bình khi đương đầu với những thử thách.” (6)

Người ta cho rằng Phanxicô đã đi tàu, đi ngựa, và đi bộ trăm ngàn cây số (7), đâu đâu ngài cũng nghe tiếng thúc bách của các linh hồn: Ấn Ðộ, Nhật Bản, Trung Quốc đều nằm trong trí óc và hiện ra trước mắt ngài. Ngài đi mãi, đi hoài không mệt mỏi, không lo âu, sợ sệt và do dự. Mười năm ròng rã loan báo Tin Mừng (8), cuộc đời Phanxicô quả là một hành trình dâng hiến trọn vẹn. Ngài lúc nào cũng được thúc bách bằng tấm lòng nồng cháy các linh hồn: ngày đêm thăm viếng và nâng đỡ đức tin cho những người nghèo, khích lệ những người ốm đau bệnh tật, rửa tội cho trẻ em, dạy giáo lý cho người lớn và tổ chức các giờ kinh lễ… Bên cạnh đó, Chúa cũng hỗ trợ lòng say mê các linh hồn không bao giờ vơi cạn nơi ngài bằng nhiều phép lạ phi thường (9). Ngài đã đem không biết bao người về với Chúa, với Giáo Hội.

CHÚA ÂN THƯỞNG TRIỀU THIÊN

Ý Chúa nhiệm mầu, Phanxicô hiểu rằng trong một xã hội đầy tôn ti trật tự này ta cần phải lên tới đỉnh cao… Ngài quyết định đi Trung Quốc, nước tự hào là trung tâm ánh sáng văn hoá và tôn giáo. Nhưng ước mơ ấy chưa kịp thực hiện thì ngài ngã bệnh và từ trần rạng sáng ngày 03/12/1552, trên đảo Thượng Châu nhỏ bé gần Quảng Đông (10). Xác ngài được đem về an táng tại thành Goa, nước Ấn Độ trong tình trạng vẫn tươi nguyên như đang ngủ. Theo lệnh bề trên Tổng quyền của Dòng Tên, cánh tay phải của ngài được lấy ra khỏi thân thể, đưa về nhà dòng Mẹ tại Roma, đặt bên cạnh di tích của thánh Inhaxiô, vị sáng lập Dòng (11).

Ngày 25/10/1619, Phanxicô Xaviê được Đức Phaolô V phong chân phước, và đến ngày 12/03/1622, Đức Grêgôriô XV nâng ngài lên bậc hiển thánh. Năm 1748, thánh nhân được tôn phong làm Bổn Mạng của Phương Đông; và đến năm 1904, ngài được tôn phong làm Bổn Mạng công cuộc truyền bá Đức Tin. Năm 1927, Đức Piô X tôn phong ngài làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo.

Lạy thánh Phanxicô Xaviê, xin ban cho mỗi người chúng con ơn nhiệt thành, lòng quảng đại và tinh thần truyền giáo để chúng con đem nhiều người về với Chúa và với Giáo Hội. AMDG./.

Tác giả bài viết: Giuse Phan Văn Tiến

(1) Mt 9,38

(2) Javier Castillo (tiếng Tây Ban Nha)

(3) Lc 9,25

(4) Một hướng đi, Thánh Phanxicô Xaviê – ơn gọi truyền giáo, trang 21

(5) Một hướng đi, Thánh Phanxicô Xaviê – ơn gọi truyền giáo, trang 21

(6) Bt 15,15: Bút tích Thánh Phanxicô Xaviê, tài liệu 15, đoạn 15 (bản tiếng Việt của Hoàng Sóc Sơn, S.J.).

(7) Một hướng đi, Thánh Phanxicô Xaviê – ơn gọi truyền giáo, trang 22

(8) Một hướng đi, Thánh Phanxicô Xaviê – ơn gọi truyền giáo, trang 22

(9) dongten.net, [Hạnh các Thánh]: 03 – 12 Thánh Phanxicô Xaviê

(10) Một hướng đi, Thánh Phanxicô Xaviê – ơn gọi truyền giáo, trang 22

(11) dongten.net, [Hạnh các Thánh]: 03 – 12 Thánh Phanxicô Xaviê

Phan Tiến

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read also x