Học kiến thức phải giỏi suy nghĩ, suy nghĩ, lại suy nghĩ. Chính nhờ cách ấy – phương pháp học ấy – tôi đã trở thành nhà khoa học.” Albert Einstein

Không ít bạn cho rằng phương pháp học là những nguyên tắc học hiệu quả, chỉ cần làm theo „hướng dẫn sử dụng”, là sẽ trở thành học sinh giỏi và gặt hái được nhiều thành công. Nếu đơn giản thế…, thì chỉ cần góp nhặt tất cả các kinh nghiệm học của những nhà khoa học vĩ đại, là có ngay một phương pháp học hoàn hảo! Có lẽ để có được phương pháp học tốt cho riêng mình, không đơn giản như thế. Phương pháp học không phải là một bản chỉ dẫn bao gồm các nguyên tắc có sẵn. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân trả giá bằng những nỗ lực, kiên nhẫn và làm việc một cách hiệu quả thì mới có được.

Hãy suy gẫm câu chuyện của Stephen R. Covey trong sách „7 thói quen để thành đạt”:

Gặp ai đó đang miệt mài cưa một cái cây trong rừng, bạn hỏi:

    • Anh đang làm gì đó?
    • Anh không nhìn thấy à?, người nọ có vẻ bực mình, Tôi đang đốn cây.
    • Anh trông mệt lắm rồi đấy! Anh cưa được bao lâu rồi?
    • Hơn năm tiếng rồi, anh ta đáp. Tôi kiệt sức mất thôi. Đây quả là một công việc nặng nhọc.
    • Vậy tại sao anh không nghỉ một lát và mài sắc lại lưỡi cưa?, bạn hỏi. Tôi tin rằng anh sẽ cưa nhanh hơn rất nhiều.
    • Tôi không có thời gian để mài cưa, người đàn ông trả lời, Tôi quá bận cưa cây rồi!.

Câu chuyện gợi cho bạn suy nghĩ gì? Anh chàng đã miệt mài cưa cây, đến nỗi không muốn bỏ phí một phút để mài sắc lại lưỡi cưa. Có lẽ, anh ta nghĩ rằng, giờ cưa cây còn chưa đủ, đâu còn thì giờ để mà làm việc vớ vẩn, ngồi mài lại lưỡi cưa! Cho nên, tốt hơn hết cứ hì hục miệt mài cưa thôi. Nhưng thực ra, nếu bỏ ra khoảng 15 phút để mài sắc lại lưỡi cưa, anh ta sẽ cưa cây nhanh hơn, ít tốn sức hơn và hiệu quả công việc cao hơn. Như thế, việc „bỏ phí” 15 phút để ngồi mài lưỡi cưa là rất quan trọng và cần thiết.

Nhiều học trò trên lớp chăm chú nghe giảng, về nhà làm đầy đủ bài tập, miệt mài học sớm tối, mà đôi lúc chẳng biết mình đang học gì, hay đang làm gì… Phải chăng, đôi lúc cần tự hỏi: tôi đang làm gì vậy? Cách học, cách làm việc của tôi đã tốt chưa? Cần cải thiện điều gì để cho cách học, cách làm việc đạt hiệu quả hơn?…. Đó là những khoảng thời gian quan trọng để khám phá cho mình một phương pháp học, cũng như là lúc để mài dũa cho những dụng cụ trở nên sắc bén hơn.

Đúng là không thể có ngay được một phương pháp học tốt cho riêng mình, trong một sớm một chiều. Càng không thể coppy một phương pháp học của người khác làm của mình, cho dù phương pháp học đó rất đối với người ta. Cho nên, tốt hơn hết là hãy xây dựng cho riêng mình một phương pháp tự học.

Phương pháp tự học đòi hỏi phải rèn dũa khả năng phản tỉnh. Cũng như người thợ ngồi mài sắc lại lưỡi cưa, người học trò cần dành thời gian để hội nhất những gì đã học. Cụ thể, dành thời gian khoảng 5 phút sau mỗi tiết học để ôn lại ngay những gì vừa mới học. Tự tra vấn xem, bài học muốn nói gì? Và dành khoảng 30 phút mỗi ngày (tốt nhất là thời gian trước khi đi ngủ), cố gắng nhớ lại tất cả những gì đã học, sau đó tìm điểm kết nối và mối liên hệ giữa chúng. Một khám phá rất thú vị: thời gian để nhìn lại và hội nhất các kiến thức là một thực hành rất tốt để phát triển khả năng ghi nhớ và nhạy bén cho não bộ.

Để kiên trì thực hiện việc khó khăn này, cần lưu tâm đến những điều René Descartes (1596 – 1650) là triết gia, nhà khoa học và toán học người Pháp đã nói:

    1. Đừng bao giờ tự mãn với những kiến thức có được.
    2. Chia những kiến thức khó thành nhiều điểm nhỏ, để dễ dàng tìm giải pháp khắc phục.
    3. Tập suy nghĩ một cách có thứ tự, bắt đầu từ những điểm đơn gian và dễ hiểu nhất. Rồi từng bước giải quyết những vấn đề phức tạp hơn.
    4. Nhìn lại vấn đề xem còn có gì chưa rõ, chưa được giải quyết… và đưa ra một lời giải cho vấn đề đó.

Dành thời gian để phản tỉnh là khá rồi, còn để phản tỉnh thế nào cho tốt hơn, lại là một chuyện khác. Nếu chỉ dừng lại ở việc ôn lại các kiến thức đã học, thì đó chưa phải là phản tỉnh đích thực. Vậy phản tỉnh thế nào? Trả lời cho câu hỏi này, bằng một câu hỏi khác: Tại sao người Do Thái thông minh?

Mỗi ngày đi học về, các bà mẹ người Do Thái thường hay hỏi: (1) hôm nay, con có câu hỏi mới nào không? Chứ không hỏi: (2) hôm nay, con học được những kiến thức mới nào? Hai câu hỏi này đều tốt, nhưng phân cấp độ rất rõ ràng. Nếu câu hỏi (2) chỉ dừng lại ở việc ôn lại những gì đã học được, thì câu hỏi (1) mang tính phản tỉnh hơn nhiều –  câu hỏi này khơi gợi trí tưởng tượng và khuyến khích khám phá những khả năng mới. Dĩ nhiên, nên khởi đi với câu hỏi (2), nhưng không tự mãn! Cần bước sang câu hỏi (1) để mở ra những chân trời mới. Đúng là việc học không chỉ dừng lại ở việc biết những kiến thức mới, mà còn biết đặt vấn đề và thắc mắc để mở ra những chân trời mới.

Tóm lại để cải thiện và nâng cao phương pháp học thì cần lưu ý những gì?

Phương pháp học không thể thiếu một tinh thần ham học hỏi – bài viết đầu tiên „học mà chơi, chơi mà học” [1]. Phương pháp học không thể phát huy hết tác dụng nếu không biết quản lý thời gian thế nào cho tốt – bài viết thứ hai „cân bằng trong việc học” [2]. Và phương pháp học sẽ trở nên vô dụng nếu không được mài dũa hàng ngày – thực hành phản tỉnh. Có thể nói đây là chiếc kiềng ba chân: tinh thần ham học hỏi, quản lý thời gian hiệu quả và thực hành phản tỉnh.

Một phương pháp học tốt là một phương pháp có khả năng tự đổi mới để mỗi ngày trở nên tốt hơn một chút. Biết thắc mắc, biết đặt vấn đề trước những sự kiện, trước những biến cố đang xảy ra xung quanh cuộc sống là bước đầu tiếp cận với những tri thức. Và khiêm tốn mở lòng ra với những điều HAY, nét ĐẸP và sự TỐT LÀNH, là lúc đang tiếp nhận các tri thức cách đúng đắn.

Người Do Thái quan niệm „người có trí tuệ, là người có hạnh phúc”. Chắc chắn, trí tuệ không chỉ là học giỏi các môn ở trường, hay là đạt điểm cao trong các môn học, mà còn là một lối sống biết sử dụng món quà „trí khôn” để xây dựng một cuộc sống tươi đẹp hơn, một cuộc sống đáng sống hơn.

Văn Ngữ

[1] https://giaoxunamdien.org/index.php/2019/09/05/hoc-ma-choi-choi-ma-hoc-getting-ready-for-the-new-school-year-san-sang-cho-nam-hoc-moi/

[2] https://giaoxunamdien.org/index.php/2019/09/15/su-can-bang-trong-viec-hoc/