Năm hết tết đến, ai ai cũng ước mong về nhà. Nơi có ông bà, cha mẹ, anh chị em và những người bạn bè thân quen. Nhà là nơi cất giữ bao kỷ niệm của tuổi thơ. Để rồi mỗi lần trở về nơi ấy, ta như được sống lại những năm tháng hồn nhiên. Cho nên khi đi xa, ai cũng đều mang một nỗi nhớ nhà. Đúng như thi sĩ Chế Lan Viên nhận định:

“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

Cho dù có đi khắp bốn chân trời góc bể, không đâu cho ta cảm giác an toàn, thoải mái và tự nhiên như ở nhà. Nơi đó, ta có thể tự do hồn nhiên vui đùa mà không chút e ngại. Ta được sống thật là chính mình. Tuy nhiên, cũng có những lúc, ta chỉ muốn thoát khỏi nhà, càng sớm càng tốt, bởi nơi đó cuộc sống ngột ngạt và nhiều cay đắng. Khi ấy, nhà không còn là nơi an toàn để ta được sống là chính mình nữa, mà thay vào đó là cảm giác bị mất hút, bị chê bai, bị coi thường… Một khi trong nhà thiếu vắng tình thương, thiếu vắng những lời nói ủi an nâng đỡ và cảm thông, thì ta chẳng còn muốn trở về nhà nữa. Nhưng dù sao, “về nhà thôi” vẫn là tiếng réo gọi trở về với những gì thân thương nhất, với cội nguồn để cho ta được là chính mình.

Trong bức thư gặp gỡ các bạn trẻ giáo tỉnh Miền Bắc mới diễn ra ở đền thánh Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu với chủ đề: “hãy trở về với tha nhân [hãy trở về nhà]”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các bạn trẻ: hãy trở về với ngôi “nhà” của mình. Ngài nói rằng: “Trong văn hoá Việt Nam, cũng như trong những nền văn hoá Châu Á, có lẽ không có từ ngữ nào đẹp cho bằng chữ “nhà”. Chữ ấy gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người, bao gồm không chỉ gia đình, họ hàng thân thuộc, mà cả nơi chôn nhau cắt rốn, quê hương xứ sở. Dù đi bất cứ đâu, người ta cũng mang theo bên mình chữ “nhà”. Từ chữ “nhà” này đã sản sinh ra văn hoá của các con, vốn diễn tả truyền thống gia đình, cổ võ tình yêu thương dành cho những người thân cận, khuôn đúc nên nhân đức thảo kính cha mẹ, và nuôi dưỡng một sự kính trọng đặc biệt dành cho những bậc cao niên. Do vậy, “Hãy về nhà” nghĩa là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Những di sản ấy là những kho tàng quý giá của các con. Đừng bao giờ để mất kho tàng ấy.” [1] Và Ngài mời gọi: các con hãy trở về nhà với ba đức tính: (1) trung thực, (2) tinh thần trách nhiệm và (3) lạc quan.

Để trở với chính ngôi nhà của mỗi người, cần lắm sự trung thực với chính mình và dám chịu trách nhiệm với tất cả những gì đã qua. Trung thực để thấy rõ hơn: tôi là ai. Dám chịu trách nhiệm để ý thức tôi đã sống thế nào, tôi đã chọn lựa gì. Và điều quan trọng không thể thiếu là sống lạc quan. Dù tôi và bạn có ý thức hay không, chúng ta vẫn được trao tặng 365 ngày hy vọng trong năm mới. Và mỗi ngày là một món quà, là một niềm hy vọng và là một khởi đầu mới. Vấn đề còn lại là sống làm sao, đừng để món quà đó trở nên vô hiệu.

Trở về nhà mình, không chỉ là cuộc trở về với ngôi nhà vật chất bên ngoài – là nơi để sống tình gia đình, mà còn là ngôi nhà bên trong của mỗi người – là nơi để mình được sống là chính mình. Tuy nhiên không nên ngộ nhận sống là chính mình với chủ nghĩa cá nhân (individualism) – chỉ biết sống cho riêng mình, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Cho nên, trở về với chính mình, đúng nghĩa là, chân nhận con người thật của mình có cả điểm tốt, cũng như điểm chưa tốt và sống lạc quan hơn.

Lời mời gọi trở về nhà của mình, đầu tiên là dám trở về với những khung trời tối: Dám nhìn thẳng vào những khó khăn, những đớn đau và những thất bại trong năm qua. Nhìn lại, không phải để dằn vặt, không phải để khơi lại nỗi đau, không phải là để cho vết thương thêm một lần rướm máu…, mà là để cho mình được chữa lành, được trở nên can đảm và mạnh mẽ hơn. Trở về để cho con tim biết mở ra để thấu cảm với nỗi đau của mình và của người khác hơn.

Lời mời gọi trở về nhà của mình, thứ đến là trở về với những bức tranh sáng của của năm đã qua. Ngắm nhìn những thành công, những may mắn, những gì mình đang có… trong tâm tình cảm tạ và tri ân. Đó là những món quà đến từ Đấng đầy lòng yêu thương. Ngắm nhìn để cảm nếm sức ấm của trái tim Người Cha Yêu Thương và lan tỏa sức ấm của tình thương ấy đến với những người khác.

Hơn lúc nào hết, thời khắc giao thừa là khoảng thời gian quan trọng và cần thiết để bước chân trở về nhà của mình. Một cuộc trở về để cho con tim được hòa giải, được chữa lành và sống lạc quan mỗi ngày trong năm mới.

Chúc Mừng Năm Mới! Cầu chúc cho nhau một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc, thực hiện được những điều mình ước mơ và luôn sống trong niềm hy vọng của Chúa Xuân.

Văn Ngữ

[1] ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp video cho giới trẻ Việt Nam – https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html