Đứng trước cơn đại dịch virus Corona, không ít người tỏ ra hả hê với những tai họa đang giáng xuống trên những người „hàng xóm láng giềng” Trung Quốc.
Trong cơn đại dịch, chúng ta nhìn thấy những người trong cuộc bị bấn loạn, thất vọng, đổ vỡ niềm tin, và tình người rạn nứt… Bên cạnh đó, không ít người thấy sự việc xảy ra như vậy, thì tỏ vẻ mãn nguyện, và đôi khi còn đưa ra những lời nhận xét chua cay – họ đáng bị như thế.
Không phủ nhận là có những kẻ phải chịu trách nhiệm và gánh chịu hậu quả do những sai lầm mà họ cố tình gây ra. Nhưng trong số đó, có nhiều người chỉ là nạn nhân.
Dường như trong cơn hốt hoảng vì đại dịch, chúng ta quên mất cách đối xử với những người anh em của mình thế nào. Có gì đó không ổn lắm!…, khi có những người dửng dưng đứng nhìn và tỏ ra vui sướng, vì những kẻ ta không ưa đang gặp chuyện chẳng lành. Cảm giác vui sướng quái đản này, có lẽ đến từ những bức xúc đã bị dồn nén trước đó. Nhưng hãy cẩn trọng, những cảm giác vui sướng rẻ tiền ấy làm cho ta quên mất mình là ai và lúng túng không biết nên hành xử với anh em đồng loại thế nào.
Phải chăng sự dữ không ở đâu xa, nó ở trong chính cõi lòng của con người? Phải chăng cái ác vẫn còn hoành hành trên thế giới, vì chúng ta sẵn sàng dọn đất và mở cửa lòng để chúng đi vào?
Đừng vội phán xét/xét đoán (judge) người khác, tưởng là chuyện nhỏ, mà thực tế chẳng hề nhỏ chút nào. Chúng ta rất dễ rơi vào cám dỗ xét đoán và lên án người khác. Tất nhiên, không phủ nhận những nỗ lực của con người, vận dụng những hiểu biết để phân tích, nhận định và đưa ra những đánh giá đúng đắn về các vấn đề. Nhưng sự phán xét, thì nằm ngoài khả năng của cá nhân, vì cái nhìn của chúng ta luôn có giới hạn. Hãy dành chuyện phán xét cho Đấng thấu suốt mọi sự. Hãy để những người có thẩm quyền xem xét người có tội theo luật dân sự.
Khi không phán xét, tâm trí con người được mở ra hơn, có thể thấy mọi sự rõ ràng hơn, hiểu biết về chính mình hơn, và hiểu người khác hơn.
Chớ vội vàng cho rằng, những người đang gặp hoạn nạn, họ đáng bị như vậy. Thay vì xét đoán lỗi lầm của người khác, thì một lời cầu xin, một lòng nguyện ước tốt lành đến với những người anh em đang gặp hoạn nạn, là một hành động nên làm. Đây không phải là sự lẩn trốn trước cái thực tế phũ phàng, hoặc muốn đẩy vấn đề khó khăn cho một Đấng nào đó và ngồi chờ Ngài giải quyết giùm. Mà đúng hơn, đây là thái độ mở tâm trí ra xin sự trợ giúp và xin ơn soi sáng để tìm kiếm những giải pháp thích hợp. Có lẽ, để không phán xét người khác, đầu tiên, cần có lòng thiện tâm và ý hướng tốt lành.
Phản tỉnh về chính mình, chúng ta được nhắc nhở: Hãy cảnh giác với điều xấu ở trong lòng. Nhất là đừng hả hê trước những tai họa của người khác!
Văn Ngữ