1. Sinh tử là chuyện rất đỗi tự nhiên theo lẽ thường của một kiếp người. Chuyện tưởng là chỉ mang tính riêng tư và bình thường ấy của mỗi cá nhân, lại có nhiều tác động đến những người xung quanh tùy vào mối tương quan giữa họ. Thử đọc lại những kinh nghiệm về sự chết, khi một ai đó lìa bỏ cõi đời. Nếu chỉ là tình cờ gặp một đám tang trên đường, chắc lòng ta có chút ngậm ngùi phân ưu cùng người quá cố. Nếu đó là một người quen biết, sống gần cạnh bên, thì ta cảm thấy lòng bồi hồi và thấy chút gì mất mát. Còn nếu đây là một người thân thuộc trong gia đình, thì sự ra đi âý hẳn là đã tạo ra một khoảng trống vắng vô cùng lớn. Những năm tháng sống nơi làng quê thủa thiếu thời, tôi đã bao lần trải nghiệm thấy bạn bè cùng trang lứa mất đi người thân yêu, những lúc đó tôi chẳng biết nói gì, chỉ biết lặng thinh và đồng cảm với nỗi đau của họ. Phải chăng là tùy thuộc vào mối tương quan với người đã mất, ta mới thấm thía nỗi đau và sự cô đơn của thần chết mang đến.

Vậy, thì chuyện một Người đã chết cách đây hai ngàn năm. Xa cách về địa lý. Cách xa về thời gian… Cái chết của Người âý liên quan gì đến ta? Bi kịch của Con Thiên Chúa ngày ấy và chúng ta ngày hôm nay, nào có liên hệ chi? Đúng là cái chết của Ngài, đã xa và lạ, nhưng cái chết ấy không phải là cái chết của riêng Ngài, cái chết ấy đụng chạm tới số phận của mỗi người chúng ta ngày nay.

Đâu là mối dây liên kết giữa cái chết của Ngài năm xưa với đời sống chúng ta hôm nay? Chẳng phải ngày đó cũng có nhiều người đã bị hành hình như Ngài đó sao? Tại sao chỉ có câu chuyện bi thương của Ngài là vẫn còn được nhắc lại mãi?

Nhìn những gì diễn ra ở bên ngoài, câu chuyện cuộc thương khó của Đức Giê-su thật đau xót và đáng sợ, còn những gì diễn ra ở bên trong thì hoàn toàn khác. Theo con mắt người đời, Đức Giê-su đã thất bại toàn tập. Ngài đã chết một cách tức tưởi và nhục nhã. Những điều người ta chứng kiến là hận thù, là giận dữ và bạo lực. Còn những gì diễn ra ở bên trong Ngài là lòng tin tưởng, sự phó thác và bình an đón nhận. Nhìn kỹ vào bức tranh cuộc thương khó, ta sẽ nhận ra hai chuyển động tương phản này: Ngài không lấy sự cay đắng đáp trả lại sự phản bội; Ngài chẳng lấy sự giận dữ đáp trả lại sự ghen ghét. Ngài chỉ lấy tin yêu, phó thác và tha thứ để chiến đấu với hận thù và bạo tàn. Con đường ngày thứ sáu tuần thánh Đức Giê-su đã đi qua là con đường khó hiểu và dễ gây hiểu lầm. Con đường ấy luôn bị người đời coi là điên rồ, nhưng đó là con đường khôn ngoan của Thiên Chúa.

Trong thinh lặng, ta bước theo chân Đức Giê-su vào tuần thánh. Học nơi Ngài những bước đi vững chắc trên sỏi đá của cuộc đời nhờ lòng tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa. Dĩ nhiên lòng tin yêu và sự phó thác không có nghĩa là ta không còn run sợ, hay chẳng còn sợ gì trước sự dữ, nhưng chắc chắn đảm bảo cho ta một sự bình an sâu lắng trong cơn nguy khốn và đối diện với nghịch cảnh bằng sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Bạo lực, thù ghét, giận hờn… đã lầm tưởng rằng chúng sẽ nuốt chửng Người Con Yêu Dấu của Thiên Chúa, nhưng các thế lực ấy đã bị đánh bại hoàn toàn bởi một tình yêu, sự tha thứ và lòng tín thác.

Tất cả chúng ta đều có cuộc thương khó riêng của mình. Nhìn bên ngoài, chúng luôn xấu xa và đáng sợ, nhưng nếu chúng ta biết đối diện với nó như cách mà Đức Giê-su đã làm, đó là bằng lòng tin yêu, phó thác và tha thứ, thì nó sẽ trở nên tốt và hòa bình sẽ hiện diện trên mặt đất này.

Văn Ngữ