– Cậu có nghĩ sau này học lên cao thì cậu sẽ không còn theo Chúa nữa không?

– Tại sao cậu lại nói vậy?

– Vì biết đâu khi cậu học cao hơn, kiến thức khoa học được sáng tỏ trong cậu và cậu sẽ thấy có điều gì đó nghịch lý với đạo. Mình nghĩ vậy!

   Cuộc nói chuyện đó diễn ra khi em còn đang học lớp 8 và đó là câu hỏi của bạn thân em – người lương dân – đặt ra khi chúng em đang trên đường đi học về. Thực sự khi người bạn đó hỏi như vậy, bản thân em còn nghĩ rất đơn giản rằng sẽ chẳng có gì có thể chia tách mình khỏi Thiên Chúa được. Ấy vậy, lời nói thì rất dễ nói ra nhưng để chứng minh rằng lời nói ấy thực sự có “sức nặng” thì quả là một thách đố lớn lao. Chủ đề “khó khăn hay thách đố nào khi sống Đức Tin Ki-tô giáo ngày nay” là một trong những điều rất được quan tâm từ phía các vị chủ chăn đối với các bạn trẻ/thế hệ trẻ trong chủ đề 3 năm mục vụ (2020-2022) của Giáo hội Việt Nam.

   Quả thật, mọi căn nguyên dẫn đến đời sống Đức tin hiện nay của người trẻ gặp nhiều thách đố đều có nguyên do của nó: Đời sống gia đình, đời sống xã hội, bản thân… nhưng hôm nay em xin chia sẻ một chút quan điểm của em về nguyên do chủ quan “bản thân” bởi vì đây có lẽ là nguyên nhân tác động mạnh nhất dẫn đến sống Đức tin Ki-tô giáo của người trẻ có nguy cơ bị xói mòn.

   “Bố mẹ có thể cho mình cuộc sống nhưng không thể cho mình cuộc đời” bởi lẽ đến một độ tuổi nhất định nào đó, bạn chắc chắn sẽ phải đưa ra cho bản thân một quyết định mang tính bước ngoặt, bạn sẽ sống với cuộc đời của bạn ra sao: tốt – xấu, êm ả – sóng gió, nụ cười – nước mắt… dù ở hoàn cảnh nào đi chăng nữa bạn cũng phải vui vẻ mà đón nhận vì đó chính là cuộc đời của bạn.

   Có thể nói rằng, tuổi 18 là một trong những cột mốc quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Tuổi 18 hướng về mục tiêu phía trước với hoài bão, ước mơ thay đổi cuộc sống. Ước mình có đôi cánh thật khỏe để tự do bay trên bầu trời. Tuổi 18 rời xa “vòng bọc an toàn” khi sống xa những người thân yêu để tìm kiếm cho mình một con đường riêng. Bên cạnh những ước muốn bản thân trưởng thành trong mọi khía cạnh, tuổi 18 cũng là khởi đầu cho những thách đố về đời sống Đức Tin Ki-tô giáo khi các bạn trẻ tiếp xúc với môi trường xã hội nhiều hơn – nơi được coi là con dao hai lưỡi: vừa gọt giũa, vừa rèn luyện nhưng rất sắc lẹm thậm chí phải “đổ máu”.

   Câu nói đã trở thành “hot trend” một thời gian khá dài trên các trang mạng xã hội: “Vẻ bề ngoài quan trọng đến vậy sao?” Câu hỏi ấy đã đánh trúng tâm can của nhiều người khi mà tư tưởng hưởng thụ đang lên ngôi, được tôn sùng trong thời đại này. “Hãy cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”: Ham muốn được thể hiện mình, thể hiện với xã hội rằng tôi là một con người thành công. Trách được không nếu người trẻ họ đến từ những nơi thôn quê, khi mưu sinh tại những thành phố lớn họ bị choáng ngợp bởi những thứ hiện đại, xa hoa! Trách được không khi đa số người trẻ mang nặng tư tưởng “tốc độ thành công của bạn nhất định phải nhanh hơn tốc độ già đi của cha mẹ”! Vật chất, luôn là thứ vũ khí đáng sợ và nguy hiểm khi kéo các bạn trẻ vào vòng xoáy của sự khát vọng thương lưu, khiến tâm trí họ bị nó tiêu khiển và dần trở thành nô lệ, bái thờ nó như một vị thần. Thật khó có thể trách về suy nghĩ mong muốn có một cuộc sống đầy đủ vật chất của họ. Bạn có muốn mình an nhàn và hạnh phúc không? Có, tất nhiên có chứ! Nhưng, có nhiều bạn trẻ lại chọn cho mình cách thức “đốt cháy giai đoạn” với lối sống “makeno”: Con người dần trở nên những ông vua con chỉ biết trục lợi cho bản thân, mặc kệ hệ luỵ ảnh hưởng tới người khác và chính mình như thế nào; lối sống bất chấp, thờ ơ khi gạt bỏ những người nghèo thậm chí cả cha mẹ ra bên lề cuộc sống của mình. Con người có thể chê bai người này người kia khi họ bước đi vào “đêm tối” nhưng chẳng ai chịu nhìn nhận chính bản thân mình để nhận ra những lỗ hổng trong đời sống, trái lại bảo thủ quan điểm một cách ngoan cố và cứ chìm đắm trong đầm lầy của sự đen tối.

   Giữa những bon che và lời mời gọi như “thêu hoa dệt gấm” của xã hội, người trẻ còn tự cho mình lý do “chính đáng” rằng tôi làm thế là cho tương lai của tôi, cho gia đình và bố mẹ tôi, Chúa chắc chắn cũng hiểu điều đó vì Người thông biết mọi sự. Và, dự lễ ngày Chúa Nhật ít dần đi, sự giao thoa giữa Thiên Chúa và những người trẻ đó dần bị chặn đứng bởi vật chất; đời sống cầu nguyện cũng phai mờ. Chúa không còn là trung tâm, là hệ quy chiếu họ hướng đến nữa vì bây giờ họ đã có cho mình một vị “chủ nhân mới”. Người trẻ dần quên đi căn tính đích thực của mình là một người Ki-tô hữu. Để rồi, khi gặp những thất bại, vấp ngã, tâm lý người trẻ thường lung lay lập trường nhất là Đức Tin. Đáng ra, điều đầu tiên người trẻ cần làm là nghĩ về Chúa, chạy đến với Chúa nhưng không, họ nghĩ rằng Chúa đã không quan tâm mình nữa vì Chúa đã đặt họ vào hoàn cảnh éo le như vậy. Thế là việc thờ các tà thần, ngẫu tượng, xem bói, đi chùa… lại là các giải pháp mà người trẻ chọn lựa xem như là cách giải quyết tốt nhất để cứu vớt những gì đã mất. Hậu quả là biết bao nhiêu người rơi vào lạc giáo, dị giáo hay vào một tình trạng ảo tưởng khiến họ bị các đối tượng xấu lợi dụng để mưu ích cho cá nhân hoặc tổ chức.

   Lạy Chúa xin củng cố Đức Tin còn non yếu của chúng con. Đã biết bao lần trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu, Người đã thực hiện nhiều phép lạ lớn lao. Chúa là Đấng giàu lòng Thương xót, bất cứ ai đang gặp khốn khó biết và chạy đến với Đức Giêsu thì Ngài chẳng bao giờ làm ngơ. Hơn nữa, nếu là một người song hành cùng Chúa trên hành trình ấy, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra rằng Chúa luôn lắng nghe và thấu hiểu dân Người. Ngài cần hành động của chúng ta bằng một câu hỏi ngắn: “… Anh có tin như thế không?… Chị có tin vậy không?” Thưa, con tin. “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.” (Lc 17,6).  Chỉ cần vậy thôi, Chúa sẽ lo liệu cho chúng ta, cùng chúng ta mọi sự.

   Ngạn ngữ phương Tây có câu:“Không có vị thánh nào mà không có quá khứ, không có tội nhân nào mà không có tương lai”. Là một người trẻ, chúng ta không tránh khỏi những lỗi lầm, những lần “đi quá xa” vì đó là lẽ đương nhiên và thường tình bởi sự “nhân vô, thập toàn”. Nhưng điều quan trọng chúng ta biết nhận ra thiếu xót đó và “quay trở về”: Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa. Chúng ta cần thể hiện sự quyết tâm, phải biết đứng lên chiến đấu với những nỗi sợ hãi và thất bại bằng vũ khí của một Ki-tô hữu đó là đời sống cầu nguyện, năng kết hợp mật thiết với Chúa qua Thánh lễ. Có được Ơn Chúa soi sáng, chắc chắn chúng ta sẽ không đi trong đêm tối và vấp ngã “Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm”(Ga 12,46). Hãy nhìn lên Chúa Giêsu, vì Người cũng đã từng sợ hãi trước cái chết khổ giá đến nỗi Người lo buồn đổ mồ hôi máu và xin Chúa Cha cất “chén đắng” ấy nhưng Người đã vâng nghe Thánh ý và đã chiến thắng sự chết cách vinh quang, đem lại ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại.

   Nhận thức được điều đó, người trẻ hãy sẵn sàng mở “ngôi nhà” tâm hồn của mình để đón rước Chúa ngự vào, xin Chúa cùng đồng hành cùng chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc đời. Xin cho chúng ta mạnh dạn đáp lại hai tiếng “xin vâng” và một niềm vui khi cùng Chúa vác “Thập Giá” của cuộc đời. Xin cho “Ánh Sáng” luôn chiếu soi trong mỗi chúng ta để Đức Tin non yếu luôn được củng cố. Xin cho chúng ta luôn nhận thức chính Chúa là “trung tâm” của cuộc đời và chính chúng ta là “gương mặt trẻ của Chúa” luôn biết cảm tạ ngợi khen Thiên Chúa vì bao hồng ân. Rồi khi Đức Tin của chúng ta được lớn mạnh, Chúa sẽ nói “Đức Tin của con thật mạnh” này “Ta sai con đến với muôn dân, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15).

Tác giả bài viết: Giuse Phan Văn Tiến

BTT Giáo xứ Nam Điền – Phú Nhai – Bùi Chu