Có bao giờ bạn tự hỏi rằng “Thánh Kinh có gì thú vị?”. Bởi lẽ, quanh năm suốt tháng chúng ta chỉ đọc lặp đi lặp lại duy nhất một quyển Thánh Kinh. Không những thế, có ý kiến cho rằng: Lời Chúa sao mà khô khan quá, chẳng lãng mạn như tiểu thuyết, chẳng hấp dẫn như những truyện tranh, cũng chẳng lôi cuốn như những tác phẩm văn học kinh điển…, thậm chí còn có những lời chói tai khiến nhiều người bị “ngộp”. Để hiểu được Thánh Kinh có những ý nghĩa gì trong cuộc sống của chúng ta, hôm nay em/con xin đưa ra một vài quan điểm để nói về vấn đề trên.

Tại sao Thánh Kinh có tên gọi là “Thánh Kinh?” – Tin tức Công Giáo tổng hợp  mới nhất về Giáo Hội Việt Nam

   Thánh Kinh là Lời Hằng Sống

   Toàn bộ Thánh Kinh là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất ấy chính là Chúa Ki-tô, “bởi vì toàn bộ Thánh Kinh nói về Chúa Ki-tô và toàn bộ Thánh Kinh được hoàn tất trong Chúa Ki-tô”[1]. Thánh Kinh không thuộc về quá khứ. Chúa Ki-tô không nói cho thời quá khứ mà Người nói cho hiện tại, Người nói hôm nay với ta, Người ban tặng ta ánh sáng, Người chỉ cho ta con đường đến sự sống[2]. “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14, 6a)

   Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói: “Những lời Sách Thánh không được viết để bị giam cầm trên các mảnh giấy cói, giấy da hay giấy, nhưng để được đón nhận bởi một người cầu nguyện và làm cho chúng nảy mầm trong lòng người đọc”. Nếu Lời Thiên Chúa chỉ được gấp lại và cất vào tủ kính thì Lời ấy mãi chỉ là hạt giống không bao giờ nảy mầm. Thánh Kinh chứa đựng Lời Thiên Chúa; chính vì thế các Ki-tô hữu cần phải múc lấy sự sống và sức mạnh của mình, làm cho đời sống của mình được triển nở và thăng tiến mỗi ngày từ trong Lời. “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119,105)

   Thánh Kinh là thư tình mà Thiên Chúa gửi cho ta[3]

   Như lời Thánh Giê-rô-ni-mô quả quyết “Không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Ki-tô”. Bởi lẽ, người xưa có câu “vô tri bất mộ”, không biết thì không yêu mến. Rõ ràng, làm sao yêu một người nếu ta không hiểu biết về người ấy một cách cặn kẽ? Làm sao biết người ấy thật lòng yêu mình nếu không tìm hiểu, không gần gũi, không lắng nghe, không thấy được hành động của họ? Không tìm hiểu Thánh Kinh, không siêng năng đọc Lời Chúa thì làm sao biết được Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến độ “ban chính Con Một của mình cho nhân loại” (Ga 3,16), và làm sao biết được Chúa Ki-tô yêu thương nhân loại đến “hy sinh mạng sống làm giá chuộc muôn người, và Ngài đã yêu thương đến cùng?”… Khi nhận ra được tình yêu mà Thiên Chúa dành cho mình, hẳn nhiên chúng ta sẽ biết cách để đáp trả cho xứng đáng.

   Đọc Thánh Kinh là hỏi ý kiến của Chúa Ki-tô[4]

    Sự khôn ngoan và hiểu biết luôn là một trong những thước đo quan trọng để đánh giá vị thế của một con người. Những người khôn ngoan luôn muốn học hỏi, cố gắng kiếm tìm sự khôn ngoan ở bất cứ ai “trổi vượt” vì họ có mong muốn vô tận là trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Để đạt đến sự toàn hảo ấy rõ ràng chúng ta không thể kiếm tìm ai khác ngoài Chúa Ki-tô – Đấng trổi vượt trên mọi loài. Tìm đến Chúa Ki-tô, ta tìm đến con đường dẫn về quê trời:“Tám Mối Phúc Thật”(Mt 5,1-12). Tìm đến Chúa Ki-tô, ta đến với những câu chuyện dụ ngôn đơn sơ nhưng chất chứa nhiều bài học sâu xa:“dụ ngôn người gieo giống”(Lc 8,4-15). Tìm đến Chúa Ki-tô, ta học được cách tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình: “hãy tha thứ bảy mươi lần bảy”(Mt 18, 21-35;19,1)

   Tuy nhiên, không phải lúc nào Lời Chúa cũng “ngọt ngào hơn mật ong trong miệng” [5]. Cũng có lúc chúng ta bị “ngộp” khi nghe những lời trách mắng, đe dọa, kết án của Thiên Chúa:“Khốn cho các ngươi”, “vào lửa không hề tắt”, “chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng”… Dường như Chúa nói “trúng tim đen” chúng ta rồi. Nhưng cũng có ngày Lời Chúa dịu dàng mời gọi: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28).

   Qua Thánh Kinh đến với Ơn Cứu Độ

   Trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa, Ngài đã hứa ban nhiều điều cho chúng ta qua các tổ phụ, các ngôn sứ nhưng lời hứa về Ơn Cứu Độ luôn là trung tâm và đỉnh cao là Màu Nhiệm Thập Giá nơi chính Con Một – là Chúa Giê-su Ki-tô. Lời mạc khải của Thiên Chúa đã trọn vẹn nơi Con Chí Thánh. Trước khi Chúa Ki-tô về trời ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài còn trao cho mỗi người chúng ta sứ mạng của Ngài nơi trần gian: là sai đi rao giảng Tin Mừng, giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người. “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em…” (Mt 28, 16-20). Lời ấy không thể gói gọn ở một quốc gia, một dân tộc mà Ơn Cứu Độ phải được loan báo đến mọi dân mọi nước. “Bất kể ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”. Để khi kết thúc cuộc lữ hành trên trần thế, chúng ta sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp:“Ngay hôm nay, anh sẽ được ở với Ta trên nước Thiên Đàng”(Lc 23, 43).

   Như vậy, Lời Chúa vô cùng phong phú và hấp dẫn, chứ không khô khan như chúng ta vẫn nghĩ. Ðiều quan trọng là chúng ta bắt được “tần số” và dám buông bỏ chính mình để cho Chúa Thánh Thần tác động. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể giúp ta hiểu được điều Chúa muốn nói với chúng ta qua chính Lời Ngài. Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng khẳng định: “Bởi vì Thánh Kinh đã được viết ra bởi Chúa Thánh Thần, thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ chính Thánh Thần” (DV 26).

   Kết thúc chủ đề này ở đây, em/con xin được trích dẫn câu nói của Đức Bê-nê-đic-tô XVI: “Suy gẫm thường ngày Lời Chúa để cho Chúa Thánh Thần làm thầy của bạn, bạn sẽ thấy tư tưởng của Chúa không phải tư tưởng của loài người, bạn sẽ đạt tới chiêm ngắm Thiên Chúa thật, và nhìn mọi biến cố bằng con mắt của Chúa, bạn sẽ được nếm một niềm vui dồi dào xuất phát từ sự thật.”

 Tác giả bài viết: Giu-se Phan Văn Tiến

BTT Giáo xứ Nam Điền – Phú Nhai – Bùi Chu

[1] Hugo de Sancto Victore, De Arca Noe, 2, 8: PL 176, 642; x. Ibid. 2, 9: PL 176, 642-643.

[2] Đức Bê-nê-đic-tô XVI (29-3-2000) – YouCat

[3] Soren Kierkegaard (1813-1855, triết gia Đan Mạch)

[4] Thánh Phan-xi-cô Atsidi (1182-1226, sáng lập dòng, nhà thần bí)

[5] Ngôn sứ Giê-rê-mi-a