Năm hết tết đến, những ai sống xa nhà đều mong ước được trở về nhà. Chữ „nhà” gói ghém tất cả những gì là thân thương và quý giá nhất trong trái tim của một con người. Nhà hàm chứa không chỉ là gia đình và họ hàng thân thuộc, mà còn là nơi chôn nhau cắt rốn, là quê hương xứ sở nữa. Cho dù đi bất cứ đâu, người ta luôn mang theo bên mình chữ “nhà”.[1]

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay[2], thánh sử Luca thuật lại câu chuyện Đức Giê-su trở về quê nhà ở làng Na-da-ret. „Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát và đứng lên đọc Sách Thánh” (c.16b). Ở đây thánh sử Luca tiếp tục vén mở cho người đọc thấy, Đức Giê-su thật sự bám rễ sâu vào trong truyền thống tôn giáo Do thái. Người trung thành đến hội đường, theo như luật ngày sa-bát qui định. Truyền thống tôn giáo đã tuôn chảy vào Ngài từ khi còn nhỏ. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a luôn thực thi những gì luật truyền dạy. Như thực hiện lễ cắt bì cho Đức Giê-su khi đủ tám ngày (Lc 2,21); Trẩy hội lên đền thờ Giê-ru-sa-lem khi Người được mười hai tuổi (Lc 2,42)… Có thể nói nhờ được sống trong truyền thống tốt đẹp của tôn giáo nên Đức Giê-su đã thực sự trưởng thành và quân bình về mọi mặt. Những điều ấy tiếp tục nở hoa trong hành trình đi rao giảng của Ngài sau này.

Đúng như lời nhắn nhủ của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô với các bạn trẻ Việt Nam: Trở về nhà[3] là trở về với văn hóa và phong tục đã hình thành lên lối sống cho các con. Thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a là mẫu gương tuyệt vời để chúng ta noi theo trong việc nuôi dạy con cái. Thật tốt đẹp khi các cha mẹ chú ý đưa con cháu đến nhà thờ từ lúc các em còn nhỏ. Dẫu biết rằng, khi đem theo các em đến nhà thờ, có thể gây phiền hà cho chính mình và cho người khác, nhưng đó là việc tốt nên làm, để các em bé được sống trong bầu không khí truyền thống tôn giáo từ thuở sơ sinh. Nếu các em nhỏ được làm quen với nhà thờ và cộng đoàn tín hữu từ khi bước vào đời, thì khi trưởng thành, đức tin nơi các em có tiềm năng mạnh mẽ hơn nhiều. Đức Giê-su đã được nuôi dưỡng và trưởng thành từ trong truyền thống tôn giáo, nơi gia đình và ở quê hương, là hành trang cho Ngài bước vào đời.

Bên cạnh đó, bài Tin Mừng hôm nay còn mời gọi chúng ta hãy đóng góp để làm cho truyền thống, di sản văn hóa, tôn giáo trở nên tốt đẹp và sống động hơn. Như thế, mỗi lần trở về nhà, chúng ta không chỉ kín múc thêm những điều tốt đẹp từ truyền thống gia đình, mà còn góp phần vào sự phát triển truyền thống „uống nước nhớ nguồn” nữa. Ở đây, chúng ta không nên thu hẹp ý nghĩa truyền thống vào trong những nguyên tắc bất động, hoặc đặt thêm nhiều luật lệ khắt khe hơn; nhưng thay vào đó chúng ta được mời gọi đi vào cội nguồn của truyền thống gia đình, dòng họ của chính mình; đó là tinh thần sống động, là nơi tinh thần Tin Mừng trở nên mạnh mẽ hơn để nuôi sống từng thành viên.

Khi trở về quê nhà, Đức Giê-su loan báo: „Ngày hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Mọi người trong hội đường, ai nghe cũng đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Trong ý hướng này, chúng ta thấysự trở về nhà của Đức Giê-su đã mở ra một kỷ nguyên mới. Người dân làng Na-da-rét nói riêng và dân Is-ra-el nói chung, họ đang chờ đợi lời hứa của Thiên Chúa với tổ phụ Áp-ra-ham (xem St 12,1-3). Hôm nay, Đức Giê-su loan báo là lời hứa ấy được thực hiện ngay lúc này và ngay bây giờ.

Chúng ta có thể hiểu „ngày hôm nay” diễn tả ở thì hiện tại. Lời hứa năm xưa được ứng nghiệm ngay hôm nay. Từ khi xuống thế làm người, chịu khổ nạn và phục sinh, Đức Giê-su đã cho thấy Lời Kinh Thánh được ứng nghiệm thế nào; và sự ứng nghiệm ấy vẫn còn tiếp tục cho đến chúng ta qua Giáo hội. Ngày hôm nay, con người có thể cảm nếm „lời ấy đang được ứng nghiệm” trên khắp thế giới – Giáo hội tiếp tục sứ mạng của Đức Giê-su: mang tin vui đến cho người nghèo, đem ơn giải thoát cứu con người khỏi những giam cầm và công bố hồng ân của Chúa.

Lời hứa ấy được ứng nghiệm không phải theo cách thụ động, mà theo một năng động tích cực. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô căn dặn các bạn trẻ: Các con “Hãy về nhà.”  Đây là một hành trình thúc đẩy các con trở về với cội nguồn của các con và đào sâu di sản văn hoá và truyền thống của các con. Các con được mời gọi tiếp tục những công việc của Đức Giê-su, và để cho Tin Mừng của Chúa được ứng nghiệm:

  • Hôm nay, Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi.
  • Hôm nay, Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
  • Hôm nay, những ai đang bị giam cầm sẽ được tha; người mù được sáng mắt; người bị áp bức được trả tự do.
  • Hôm nay, một năm hồng ân của Chúa bắt đầu.

Có thể nói, đây là những bài giảng ngắn nhất, nhưng nó là những lời mạnh mẽ và đem đến niềm hy vọng cho từng người chúng ta.

Đây là lời mời gọi: hãy đem hồng ân của Chúa về nhà mình trong dịp tết đến xuân về này. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải thực hiện những phép lạ nhãn tiền và vĩ đại như ông Mô-sê đã thực hiện năm xưa để dẫn dân đi qua biển đỏ, nhưng thay vào đó, là trở nên những người đem Tin Mừng về đến với quê nhà một cách cụ thể.

Hãy thưa chuyện với Đức Giê-su và hỏi Ngài xem: Con sẽ công bố Tin Mừng của Chúa nơi quê nhà thế nào đây?

Văn Ngữ, SJ

[1] ĐTC Phanxicô gửi sứ điệp video cho giới trẻ Việt Nam – https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-11/dtc-phanxico-goi-su-diep-video-cho-gioi-tre-vietnam.html

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 3 Thường Niên Năm C. Lời tựa (Lc 1,1-4) và Đức Giê-su bắt đầu rao giảng (Lc 4,14-21).

[3] https://www.youtube.com/watch?v=FuCbI5dmm24&t=3s

Link bài viết trên trang web Dòng Tên: https://dongten.net/2022/01/19/tro-ve-que-nha-2/