Như thường lệ, sau buổi học ngày thứ ba, tôi cùng những người bạn di chuyển đến sân bóng đá. Hôm ấy, đi cùng chúng tôi có một bạn người Hungary. Vì sân bóng không xa trường học là mấy, để tiết kiệm thời gian, chúng tôi nhảy lên bất cứ xe buýt nào cũng được, miễn là xe đó đi về hướng sân bóng, và chỉ cần đi qua hai trạm dừng là tới sân bóng.
Sau khi đã lên xe buýt được một lúc, tôi cảm thấy có chuyện gì đó không ổn. Chú tài xế hôm nay bấm còi xe hơi nhiều và buông những lời lớn tiếng nữa. Thường thường, người dân địa phương ở đây rất ít khi bấm còi xe. Họ chỉ bấm còi khi có chuyện gì đó quá đáng làm phiền lòng thôi. Khi đã đi qua trạm dừng thứ nhất, người bạn Hungary đến nói nhỏ với chúng tôi là chú tài xế muốn kiểm tra vé xe của chúng tôi. Bạn ấy nói thêm: chú tài xế tưởng chúng tôi là hai người Trung Quốc (TQ), nên đòi kiểm soát vé xe. Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra, có thể đây là nguyên nhân gây ra những phản ứng bực bội của chú tài xế từ nãy đến giờ chăng!
Đang khi chúng tôi mở túi xách để lấy vé xe. Bạn tôi nói với chú tài xế: đây là hai người bạn sinh viên Việt Nam và họ có vé xe buýt tháng. Sau đó, chú tài xế nói: thôi không cần kiểm tra vé nữa.
Trước thái độ đó, người bạn Hungary đi cùng với chúng tôi chẳng hiểu lý do tại sao chú tài xế lại hành xử lạ lùng như vậy. Tôi hỏi nhỏ, có phải vì chúng tôi mà chú tài xế tỏ ra bực dọc thế không? Bạn tôi cho rằng, không phải vì chúng tôi. Chú ấy bực mình vì có những xe khác đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt. Nhưng dù sao thì những hành động mà chú tài xế đã bộc lộ ra không thiện cảm cho lắm.
Lúc đó tôi có nhiều cảm xúc trái ngược nhau. Mặc dù không phải là người TQ, nhưng mà thú thực tôi cũng cảm thấy bực mình về cái nhìn định kiến không tốt ấy. Có lẽ chú nghĩ rằng chúng tôi đi xe mà không mua vé. Một cảm giác bị xúc phạm trào dâng, và tôi chợt nghĩ hình như là có sự phân biệt đối xử ở đây.
Cũng may là trong lúc có nhiều cảm xúc lẫn lộn đó, tôi đã không buông ra câu nói nào nặng lời. Nghĩ lại, tôi không thể trách chú tài xế được. Chú đã đúng. Đúng ra, chúng tôi phải đi lên xe bằng cửa trước và phải giơ vé ra khi bước lên xe. Đằng này, chúng tôi đi lên bằng cửa sau. Thật ra lúc đó có nhiều người cùng lên xe, vì vội vàng, nên chúng tôi bước lên bằng cửa sau cho tiện. Ở thủ đô Budapest, nhiều bác tài xế xe buýt phải chấp nhận cho các hành khách lên bằng nhiều cửa, vì thời gian đỗ ở trạm dừng không lâu. Ở Anh quốc, thói quen đi xe buýt của họ lịch sự hơn nhiều. Mọi hành khách đi xe buýt sẽ xếp hàng ở trạm dừng và lần lượt lên xe bằng cửa trên gần chỗ tài xế ngồi. Xe chỉ lăn bánh sau khi các hành khách lên hết và đã ngồi ổn định. Phải thừa nhận, văn hóa đi xe buýt của người Anh rất lịch sự và văn minh.
Mặt khác, tôi cũng thấy hơi nực cười. Chú tài xế không thể phân biệt được sự khác nhau giữa những người đến từ châu Á. Cứ thấy dáng người châu Á là cho rằng đây đích thị là người TQ. Không chỉ chú tài xế, mà cả những người tôi đã từng gặp cũng vậy, họ thường nghĩ chúng tôi là người TQ, vì họ thấy những người châu Á sao mà giống nhau đến thế. Trong con mắt của người dân địa phương, người dân TQ không có được cái nhìn thiện cảm cho lắm. Với người Việt Nam thì có phần đỡ bị dị nghị hơn. Trong số các dân đến từ châu Á, người Nhật Bản đi đâu cũng được người ta tôn trọng và nể phục.
Bởi đâu mà những định kiến tốt hay xấu này lại chi phối cái nhìn của chúng ta về người khác? Phải chăng chú tài xế đã nhiều lần chứng kiến những người TQ đi xe mà không mua vé? Mà chuyện mua vé có ảnh hưởng gì đến chú không? Nếu xét cho cùng, thì hành khách đi xe buýt công cộng có mua vé hay không thì đâu ảnh hưởng đến chú. Chú vẫn được trả lương đều đặn mỗi tháng mà. Nhưng có lẽ đó là một phản ứng về sự công bằng trong cộng đồng. Nếu nhiều người lợi dụng đi xe chùa, thì làm sao mà phương tiện công cộng phát triển được. Các phương tiện giao thông ở đây không có người kiểm soát vé thường xuyên. Trên xe có những máy check vé tự động. Hành khách đi xe tự giác check vé qua máy. Những người có vé tháng hoặc vé năm thì chỉ cần giơ ra cho tài xế biết. Mỗi tháng sẽ có một vài lần kiểm tra bất chợt. Cho nên, những người xấu sẽ lợi dụng lỗ hổng này để đi xe chùa dài dài. Họ chỉ mua vé khi có người đến kiểm tra.
Người dân địa phương ở đây thì khỏi phải nói, họ rất trung thực trong việc dùng phương tiện công cộng. Dù đi ngắn hay đi dài, dù là ban ngày hay ban đêm, họ luôn luôn tự giác check vé khi lên xe. Thật đáng nể phục lối sống trách nhiệm vì cộng đồng của người dân địa phương. Họ có ý thức rất cao về cộng đồng, không chỉ là chuyện trả tiền sòng phẳng khi sử dụng phương tiện di chuyển công cộng, mà họ còn chú ý cả đến những môi trường công cộng nữa, như giữ gìn vệ sinh chung, ăn nói nhỏ nhẹ đủ nghe và nhường đường cho nhau trên phố… Dĩ nhiên, ở đâu cũng có người này người kia, nhưng con số những người sống chỉ biết mình và tìm cách trục lợi cho riêng mình thì không nhiều.
Nét đẹp cuộc sống nơi đây là họ sống tin tưởng lẫn nhau. Không hiếm, những quầy bán hoa quả nơi vệ đường mà không có người đứng bán hàng. Chỉ có một tấm bảng thông báo giá, một chiếc cân nhỏ bên cạnh (hoặc đã cân sẵn và đóng gói) và một cái giỏ để người mua tự trả tiền.
Đôi lúc tôi tự hỏi, làm sao để người ta có được một ý thức tốt như thế? Chắc chắn điều này đến từ việc giáo dục tốt. Một nền giáo dục lấy sự trung thực làm nền tảng. Những đứa trẻ được dạy sống thật thà và sống có trách nhiệm với cộng đồng.
Có lẽ, sống trong một môi trường mà sự giả dối nhiều hơn sự thật, thì những ai sống thật thà lại bị coi là những đứa khù khờ hoặc tự thấy mình là kẻ lạc loài. Nhìn ra xung quanh, ai cũng thế, mình sống thật thà làm chi để mà chịu thua thiệt! Chúng ta biết rằng, khi sống trong môi trường nhiều sự giả dối, chúng ta mất nhiều thời gian và năng lượng vào chuyện cảnh giác và canh chừng lẫn nhau. Và một khi sự giả dối lên ngôi, thì xã hội ấy đầy rẫy bất an.
Chính những kinh nghiệm sống sẽ hình thành lên những cái nhìn của chúng ta. Nhiều kinh nghiệm về sự tốt lành sẽ hình thành lên những định kiến tốt lành và ngược lại. Chúng ta cần xây dựng những cái nhìn thiện cảm về nhau dựa trên lối sống trung thực và có lòng tôn trọng sự thật. Trong một cộng đồng có sự tin tưởng lẫn nhau, thì đó là một cộng đồng sống khỏe và sống mạnh. Ước chi mỗi ngày ta dám sống trung thực hơn để đẩy lui bóng tối của sự nghi ngờ gây chia rẽ và thắp sáng niềm tin tưởng thương mến nhau hơn.
Văn Ngữ