Không phải ai cũng có được một con đường học hành suôn sẻ hoặc dễ dàng. Đó là chưa kể đến, có những lúc phải cố gắng nhiều, phải chật vật lắm… mới hoàn thành được các đòi hỏi khắt khe của những môn học khó. Cho nên, nếu đi học mà dễ dàng và vui như đi chơi, thì ai mà chả thích đi học. Còn chơi mà học, thì lại là một „nghệ thuật” cần nhiều luyện tập, mới có được.
Khoảng thời gian cắp sách đến trường là thời gian đáng quý và quan trọng cho mỗi người. Tiếc là không có nhiều bạn trẻ ý thức được và hiểu được điều này. Cho nên có những bạn thích rong chơi hơn là thích ngồi học. Chơi nhiều quá quên cả việc học, đến lúc hiểu ra được, thì ôi thôi, không còn nhiều thời gian nữa! Vậy làm thế nào để có được một tâm thế học tập cách thích đáng? Hay đi xa hơn, làm sao để có được một tinh thần luôn biết học hỏi?
Thực ra việc học tập không chỉ gói gọn trong một khoảng thời gian – khi còn nhỏ, và giới hạn trong một không gian – ngồi trên ghế nhà trường, mà việc học tập còn trải dài mãi trong suốt cuộc đời. Việc học len lỏi vào trong mọi thời khắc của cuộc đời mỗi người. Tùy vào lứa tuổi, trình độ, địa vị xã hội, môi trường sống… mà áp dụng những cách thức học khác nhau để có được một cuộc sống tiến bộ hơn. Dù đã hết tuổi được nuôi ăn học, thì những đấng bậc tưởng là đã học xong như bố mẹ, ông bà… vẫn bị „ép phải học” để tìm ra những giải pháp, để trả lời cho những câu hỏi đến từ cuộc sống. Cho nên, họ vẫn cần phải học hỏi ở mọi nơi mọi lúc trong trường đời. Nói một cách khác, việc học của mỗi người chỉ kết thúc và khép lại khi nhắm mắt xuôi tay.
Phải chăng ở đây đã nhấn mạnh quá mức về sự cần thiết của việc học? Không. Việc học thực sự là điều cần thiết và quan trọng để xây dựng một cuộc sống cộng đồng tươi sáng hơn. Để học, đòi hỏi phải có tâm hồn rộng mở và tinh thần khiêm tốn trước cái HAY, cái TỐT và cái ĐẸP. Cho nên, đúng ra không nên hỏi: có cần phải học không? Mà nên hỏi: học thế nào?
Đứng trước một năm học mới, với nhiều hy vọng mới, người học trò cần lắm một tầm nhìn đủ rộng, đủ sáng và một con tim đầy nhiệt huyết để bước vào năm học mới. Cụ thể hơn, việc học sẽ sinh nhiều hoa trái, nếu người học trò cố gắng trả lời những câu hỏi về mục đích của việc học là gì? Tại sao cần phải học? Học thế nào? Đâu là những động lực giúp học tốt hơn?….
Những câu hỏi này không phải là những câu đố vui. Nó cũng không phải là những câu hỏi chỉ dành cho những nhà đào tạo. Những câu hỏi ấy rất thực tế và cần thiết để người học trò có thể tiến xa trên đường học vấn, cũng như để mỗi người trở nên người hơn. Chắc chắn, những câu hỏi ấy đơn giản, nhưng không dễ để trả lời chúng một cách thấu đáo.
Là một người học trò, ai cũng thao thức: Làm thế nào để tìm ra một hướng đi cho việc học hiệu quả hơn, đồng thời có được nhiều niềm vui trong học tập? Đây cũng là lời gọi mỗi người hãy tự tìm ra cho mình một sự cân bằng trong việc học, để không rơi vào tình trạng dở khóc dở cười: Học mà không chơi, đánh rơi tuổi trẻ; chơi mà không học, bán rẻ tương lai.
(Còn tiếp)
Văn Ngữ