Chẳng ai muốn mình bị rơi vào tình cảnh nửa khóc nửa cười của tuổi học trò: „Học mà không chơi, đánh rơi tuổi trẻ. Chơi mà không học, bán rẻ tương lai”. Để giảm thiểu nguy cơ bị sa vào tình trạng này, thiết nghĩ, giải pháp hữu dụng là tìm một sự cân bằng trong việc học. Nhưng tìm sự cân bằng ấy thế nào đây? Nói một cách khác, sự cân bằng trong học tập có nghĩa là gì?
Nhà bác học vĩ đại của Hy Lạp cổ, Acsimet (Ác-xi-mét) đã để lại một câu bất hủ: „Hãy cho tôi một điểm tựa. Tôi sẽ nâng bổng cả trái đất lên”. Câu nói này đã áp dụng định lý đòn bẩy, là một trong những định lý mà học sinh được tiếp cận trong thời gian học trung học cơ sở. Nói nôm na, chỉ cần có điểm tựa, có thể bẩy lên mọi sự! Như thế, điểm tựa – đòn bẩy có thể biến những điều tưởng chừng như không thể xảy ra, lại thành điều có thể. Trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn và trở ngại, và việc học tập của người học trò cũng nhiều gian nan, phải chăng chỉ cần tìm ra những điểm tựa, thì gần như mọi việc đều được giải quyết! Đến đây, hình như có một điều „kỳ diệu” đang xảy ra! Một niềm tin, một niềm hy vọng đang nhen nhúm!
Những điểm tựa quan trọng giữ cho cuộc sống cân bằng là gì? Có thể nói, điểm tựa đầu tiên để có được cuộc sống hài hòa và việc học cân bằng là thời gian. Việc quản lý quỹ thời gian là điểm tựa mấu chốt cho mọi sự thành bại. Vậy quản lý thời gian thế nào cho tốt?
Trong một giờ học về quản lý thời gian thế nào cho tốt nhất? [1] Người thầy đưa ra một thí nghiệm, để cho các học trò dễ hình dung.
Từ gầm bàn, ông lấy lên một bình thủy tinh lớn và khẽ đặt xuống bàn. Sau đó, ông lấy ra những viên đá lớn cỡ quả bóng golf và đặt cẩn thận từng viên vào bình. Khi bình đầy đến miệng không thể bỏ thêm viên đá nào được nữa, ông ngẩng đầu lên nhìn nhóm trò và hỏi: “Bình đã đầy chưa nào?” Cả lớp trả lời: “Rồi ạ!”
Người thầy đợi thêm vài giây rồi hỏi tiếp: “Thật chứ?” Rồi ông lại cúi xuống và lôi ra từ dưới bàn một túi đầy sỏi. Ông tỉ mỉ đổ sỏi lên đá rồi lắc nhẹ bình. Những hòn sỏi len qua đá và xuống… tận đáy bình. Người thầy lại đưa mắt lên nhìn học trò và hỏi: “Bình đã đầy rồi chứ?” Lần này các học trò đã hiểu ý ông. Một em thưa: “Có lẽ là chưa ạ!” Người thầy trả lời: “Hay lắm!”
Ông lại cúi xuống và lần này ông lấy ra một túi cát. Ông cẩn thận đổ cát vào bình. Cát lại bít kín những lỗ hổng giữa đá và sỏi. Một lần nữa ông lại hỏi: “Bình đã đầy chưa?” Lần này, không ngập ngừng, các học trò đồng loạt đáp: “Thưa, chưa ạ!” Người thầy lại nói: “Hay lắm!”
Đúng như các học trò dự đoán, ông cầm bình nước trên bàn và đổ đầy đến miệng bình thủy tinh lớn. Ông ngẩng đầu lên nhìn nhóm học trò và hỏi: “Thế các em học được điều gì qua thí nghiệm này?”
Sau một thời gian thinh lặng, người thầy ôn tồn giải thích: Chân lý quan trọng thí nghiệm này chứng minh cho ta là: nếu ta không bỏ trước vào bình những viên đá lớn, thì sau đó ta không thể để hết mọi thứ vào bình được”.
Theo sau là một khoảng thời gian lắng đọng, mọi người đều nghiệm thấy điều này thật có lý. Người thầy liền nói: “Những hòn đá lớn trong cuộc đời các em là gì? Có phải là gia đình? bạn bè? các mối tương quan? công việc? học tập? ước mơ?… hay những thứ gì khác?
Điều nên nhớ là hãy sắp xếp những viên đá lớn trong đời ta trước. Thay vì để cho những điều nhỏ nhặt (sỏi, cát), lấp đầy đời ta bằng những điều vớ vẩn, ta sẽ không có đủ thời gian cho những điều quan trọng.
Chẳng phải, ai trong chúng ta cũng biết „thời gian là vàng”, nhưng đâu mấy người biết sử dụng một cách khôn ngoan. Để sử dụng thời gian có hiệu quả, cần liệt kê mục tiêu sống, các công việc cần hoàn thiện trong ngày, trong tuần, trong tháng… và cả những dự định xa hơn. Rồi sau đó, tùy vào sự ưu tiên mà sắp xếp môn học nào, mối tương quan nào, công việc nào nên làm trước; môn học nào, mối tương quan nào, công việc nào nên làm sau và thực hiện trong khoảng thời gian bao lâu là đủ…
Học được cách quản lý thời gian tốt là bước khởi đầu tìm được sự cân bằng trong việc học. Nhưng để dẫn đến thành công, để gặt hái được những thành quả lớn hơn, cần tính kỷ luật nữa. Có thể nói, biết quản lý thời gian tốt giúp ta sắp xếp được nhiều công việc, giữ được sự cân bằng trong các mối tương quan, còn biết sống kỷ luật sẽ giúp ta hoàn thành được những gì đã dự định.
Nhưng có lẽ mới chỉ nghe đến hai chữ kỷ luật thôi, nhiều người bị dị ứng rồi. Mới nghĩ tới nó thôi, là đã thấy ngột ngạt khó thở rồi! Đúng là sống theo cảm hứng, sống thì dễ, nhưng khó làm được việc gì ra hồn; Còn sống theo kỷ luật, sống thì khó, nhưng dễ gặt hái được những thành quả lớn lao. Jim Rohn (1930 – 2009) là doanh nhân, tác giả nhiều sách và nhà diễn thuyết truyền động lực nổi tiếng người Mỹ, ông để lại câu nói nổi tiếng về sự kỷ luật: „Chúng ta phải lựa chọn giữa nỗi đau của sự kỷ luật hay nỗi đau của sự hối hận”.
Quản lý thời gian tốt và sống có kỷ luật là hai điểm tựa cần thiết để có sự hài hòa trong cuộc sống, có được sự cân bằng trong việc học. Còn để nhắm đến chất lượng và hiệu quả thì cần lưu tâm đến phương pháp học. Nếu có một phương pháp học tốt, người học trò cũng giống như người thợ có một công cụ tốt ở trong tay, anh ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đỡ tốn công sức và hiệu quả công việc rất cao.
(Còn tiếp)
[1] có thể xem video „bài học ý nghĩa về quản lý thời gian ”: https://www.youtube.com/watch?v=k0jVE-zbERI
Văn Ngữ