Thách đố sống ơn tha thứ của Thiên Chúa (Lc 15,11-32)

“….25Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, 26liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. 27Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khỏe”. 28Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. 29Cậu trả lời: “Cha (Ông) coi, đã bao lần con (tôi) hầu hạ cha (ông), và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha (ông) cho con (tôi) lấy một con dê con để chung vui với bạn bè. 30Còn thằng con của cha (ông) đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha (ông) với bọn điếm, nay trở về, thì cha (ông) lại giết bê béo để ăn mừng!” 31Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha là của con. 32Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (trích đoạn cuối)

Kinh Dọn lòng: Xin cho mọi hành vi và hoạt động của tôi đều qui về việc phụng sự và ca tụng Chúa Chí Tôn.

Khung cảnh: Hai người con bất trung, một hoang đàng về thể lý và một về con tim đối với Cha.

Ơn xin: Xin ơn đụng chạm được lòng thương xót va tha thứ của Thiên Chúa để có thể sống lòng thương xót và tha thứ cho anh chị em mình, đặc biệt trong hoàn cảnh mọi người sống trong cơn đại dịch Covid.

Điểm suy gẫm:

1/ Người con thứ nhận lãnh lòng thương xót của cha (Lc 15,11-24): Anh ta biểu thị cho dân ngoại vốn hoang đàng về thể lý: ăn cướp gia tài của cha ra đi – mất phương hướng nên ăn tiêu phung phá với bọn điếm – chỉ khi đói khổ nhục nhã: muốn ăn muồng heo ăn cũng không được, anh mới sám hối trở về – việc sám hối không vì sự xúc phạm đến cha mà vì không được ăn no nê như những người làm công cho cha.

Người cha tỏ ra nhu nhược, chiều theo sự đòi hỏi của con – để con ra đi mà sống sự tủi nhục của con và ngồi chờ đợi – khi thấy con ông chạy ra mà hôn lấy hôn để, mặc cho áo mới, dép mới và giết bê béo ăn mừng. Tình yêu có tính nhu nhược của cha đã chinh phục được người con cho dù việc sám hối không trọn.

2/ Người con cả bị thách đố sống lòng thương xót (Lc 15, 24-32): Anh ta biểu thị cho dân Do Thái vốn hoang đàng về con tim: tưởng mình không đòi chia gia sản là trung tín, không đi hoang là hiếu thảo. Thực chất anh sống ở nhà cha với con tim của người nô lệ vốn chỉ lộ diện khi người em trở về: anh ở ngoài mà không thèm vào nhà – anh đẩy cha mình thành đối thủ với em mà không ngần ngại lên tiếng: “Tôi đã hầu hạ ông… mà không được con dê con mà vui mừng với chúng bạn. Còn thằng con của ông đó….

Lúc này người cha lên tiếng như lời thách đố: “con à, lúc nào con cũng ở cùng cha, tất cả của cha là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng hoan hỷ vì em con đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay tìm thấy”. Lời thách đố cho thấy đối với cha, người con cả ở nhà không phải là nô lệ mà là con – và trong khi người con cả đẩy em mình đi thì người cha lôi anh ta về: “em con đó” như một lời thách đố hoặc mày ở lại hoặc mày phải ra đi!

3/ Xét như là dụ ngôn trong bộ diễn từ 5 dụ ngôn của TM thứ ba, Luca còn gián tiếp giới thiệu cho chúng ta về Người Con thứ ba. Ngài chính là Đức Giêsu, Người Con hoàn hảo: không hành động hoang đàng theo thể lý và cũng không hành động hoang đàng theo con tim. Ngược lại, là Con đích thực của Cha, mặc lấy tâm tình của Cha và hành động như Cha để cứu hai người em hoang đàng khi tự mình leo lên thập giá.

-Kết luận: Chúng ta sống với nhau cũng như thế: nhận sự tha thứ của Thiên Chúa thì dễ, nhưng sống sự tha thứ cho người khác là một vấn đề. Bởi lẽ chúng ta luôn sống dễ dãi với chính mình, nhưng khắt khe với người khác. Đó là lối sống của hạng tội lỗi: chạy trốn mình bằng cách tấn công người khác. Xin Chúa ban ơn sám hối nhờ đó chúng ta đảo lộn cách sống để cho Vương Quốc tình yêu của Thiên Chúa ngự trị nhờ và trong Đức Giêsu, Amen!

Người soạn: Lm Giuse Lê Quang Chủng,S.J

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here