Đức tin và sự phản kháng

Đức tin và sự phản kháng

Có thể, nhiều người cảm thấy „choáng váng” khi đọc những lời này: „Đức tin là sự phản kháng lại một tình cảnh đau đớn mà chúng ta không hiểu tại sao; còn không có đức tin thì bị giới hạn trong việc chịu đựng một tình huống mà chúng ta đã thích nghi.” [Trong bài giáo lý về Cầu Nguyện của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô (ĐTC), hôm 06 tháng 05 năm 2020][1] Điều này, có vẻ ngược lại với những suy nghĩ của chúng ta về một người, được cho là có đức tin. Thí dụ như, họ là người có khả năng chịu đựng mọi đau khổ với lòng bình thản và kiên nhẫn, chứ không phải là thái độ phản kháng!

Không chỉ trong đời sống đức tin, mà ngay cả trong văn hóa Á Đông, sức chịu đựng đau khổ, dường như là thước đo cho thấy sức mạnh bên trong của một con người. Và chúng ta thường tâm niệm rằng: „một điều nhịn, chín điều lành.”

Đọc lại những kinh nghiệm, ta thấy rằng, không phải tất cả mọi sự nhịn nhục đều đưa đến những an lành. Trong đời sống đạo cũng thế, chịu đựng và nhịn nhục, đôi lúc lại đi ngược với thái độ của một người sống đức tin cần phải có. Lắm lúc, chịu đựng là đồng nghĩa với việc sống thỏa hiệp với những điều gian ác và tội lỗi. Cho nên, người có đức tin là người biết „phản kháng lại” sự ác; còn phi đức tin thì dần quen với sự áp bức!

Đâu là sự phản kháng của người có đức tin?

Phản kháng ở đây, không có nghĩa là cứ thấy điều làm ngứa mắt, là la toáng lên. Tất nhiên, cách phản kháng này không xấu, nhưng chưa đủ sức mời gọi con người biến đổi. Ngược lại, cách phản kháng này thường gây ra nhiều phản tác dụng, dễ gây rạn nứt và đổ vỡ trong tương quan, hơn là góp công xây dựng cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều mà ĐTC mời gọi, đó là một phản kháng bám rễ sâu trong đời sống cầu nguyện. Tiếc rằng, không nhiều người ki-tô hữu nhận ra được tầm quan trọng thực sự của đời sống cầu nguyện. Không ít người, còn cho rằng, không cầu nguyện cũng chẳng chết đâu mà sợ!

Thái độ phản kháng đáng mong đợi, nó ít ồn ào hơn, là biết đón nhận những gì không thể thay đổi trong tình yêu. Tuy nhiên, cách phản kháng này dễ có nguy cơ bị hiểu sai.

Chúng ta dễ hiểu lầm sự chịu đựng với sự hy sinh đón nhận vì đức tin. Khi gặp khó khăn, thử thách… những tư tưởng có vẻ đạo đức, trong chúng ta lên tiếng biện hộ rằng: thôi mình cắn răng chịu đựng vì lòng yêu mến Chúa! Và còn cho rằng, điều này sinh nhiều ơn phúc vì cùng chịu cuộc khổ nạn với Chúa Giê-su, mà không nhận ra rằng, sự chịu đựng ấy, đôi khi là đang dung dưỡng cho những cái xấu và sự dữ. Vì thiếu những phản kháng thiết thực, nên sự dữ vẫn lan tràn và hoạt động mạnh mẽ trong mọi ngõ ngách của đời sống.

Đâu phải cứ cắn răng chịu đựng mọi đau khổ, là chúng ta đang làm đẹp lòng Chúa!

Nếu quả thật cứ cắn răng chịu đựng đau khổ… là đang làm đẹp lòng Chúa, thì ai càng chịu đau khổ nhiều, thì càng đẹp lòng Chúa hơn. Hóa ra, đây là đạo đau khổ. Đạo cổ võ và khuyến khích tìm kiếm đau khổ. Chắc chắn, đây không phải là đạo, mà Chúa Giê-su muốn để lại cho con người. Có lẽ, vì quá chú trọng đến khía cạnh bề ngoài của Thứ Sáu Tuần Thánh, nên chúng ta dễ có xu hướng nhìn mọi đau khổ, bằng cặp kiếng thiêng liêng hóa và đạo đức hóa. Cho nên, trong đời sống đạo, chúng ta gặp không ít người rất đạo đức, nhưng lại sống trong hận thù và cay đắng. Họ đã ngộ nhận: mọi sự đau khổ đều do Chúa gửi đến. Và hiểu sai: càng cố gắng chịu đựng nhiều đau khổ, thì càng làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Tất nhiên, người ki-tô hữu luôn được mời gọi đón nhận mọi hoàn cảnh, cả đau khổ lẫn vui mừng trong bình an, trong sự tín thác vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, thái độ mở lòng đón nhận, không phải ai cũng làm được. Chỉ những ai sống tương quan cá vị và mật thiết với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, thì mới có thể có được.

Cho nên, có thể nói, phản kháng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về đức tin. Phần ẩn sâu và rộng lớn hơn, mà ta không nhìn thấy được, là sự gắn bó và kết hiệp mật thiết với Đấng Siêu Việt trong thinh lặng. Chính mối tương quan gắn bó với Ngài, mới làm cho đức tin lên tiếng phản kháng lại những đau đớn đang diễn ra trong cuộc sống.

Trong cầu nguyện, đức tin thúc đẩy người ki-tô hữu lên đường tìm kiếm sự thật. Và niềm hy vọng của đức tin không cho phép chúng ta đầu hàng thoái lui quá sớm, trước những tình cảnh đau đớn đang xảy ra. Trong những lúc gặp đau khổ, hãy chân thành chạy đến với Chúa, với tất cả con người của mình, và khiêm tốn xin Chúa hướng dẫn, hơn là chỉ biết chịu đựng và tự an ủi bằng những tư tưởng có vẻ thiêng liêng, có vẻ đạo đức. Đừng quên, ma quỷ cũng có thể bày ra những tư tưởng có vẻ là thiêng liêng để níu kéo con người ở trong sự dữ.

Chúng ta biết rằng: „Thiên Chúa ưa điều chính trực, và ghét điều gian ác (Dt 1,9)

Chắc hẳn, đức tin Ki-tô giáo không cổ võ cho việc chỉ biết cam chịu đau khổ; cũng chẳng dạy chúng ta tìm kiếm sự đau khổ; và hứa „phong thánh” cho ai chịu đựng được nhiều đau khổ nhất. Tất nhiên, các thánh tử vì đạo được phong thánh, không phải vì các ngài đã chịu nhiều đau khổ hơn những người khác, nhưng vì các ngài đã đón nhận những đau khổ vì đức tin và vì lòng yêu mến Chúa. Các ngài đi trên con đường Thứ Sáu Tuần Thánh của Đức Giê-su: lấy tình yêu đáp trả sự gian ác, lấy thứ tha đáp trả lại hận thù.

Cho nên, chúng ta chớ vội, mà lầm tưởng rằng, cứ ra sức tìm kiếm đau khổ, thì sẽ được hưởng vinh quang với Thiên Chúa. Đúng hơn, đức tin Ki-tô giáo mời gọi chúng ta biết phản kháng lại những đau khổ của sự dữ, không chịu sống chung, không sống thỏa hiệp với sự ác, và đáp trả lại sự ác bằng tình yêu và tha thứ.

Tự sức mình, con người chẳng thể sống được lời mời gọi này, nhưng nhờ đời sống cầu nguyện, con người đủ sức chiến đấu và đi đến cuối con đường.

Văn Ngữ, SJ

[1] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-05/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-cau-nguyen-duc-tin.html

Văn Ngữ

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Read also x