Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, một thực tế cho thấy việc đọc hiểu Kinh Thánh không phải là điều dễ dàng. Chính Kinh Thánh chứng nhận điều này. Ngoài những bản văn sáng sủa, Kinh Thánh còn có nhiều đoạn tối nghĩa. Khi đọc một số bản văn sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia, ông Đanien đã phải suy nghĩ lâu để xem ý nghĩa của những sấm ngôn đó là gì (x. Đn 9,2). Sách Công vụ 8:30-35 ghi lại lần kia Philip nghe một viên thái giám người Êthióp đang ngồi trên xe trở về nhà và đọc sách ngôn sứ Isaia, Philip hỏi viên thái giám, “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” Viên thái giám trả lời Philip, “Làm sao tôi hiểu được nếu không có người dẫn giải.” Thư 2 Phêrô nói rõ là “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1,20). Đàng khác, thư ấy còn quả quyết rằng trong các thư của tông đồ Phaolô “có những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong” (3,16).

————–
DẪN NHẬP

Ngày 17.10.2011, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã công bố Tông Thư dưới dạng Tự Sắc “Porta Fidei” (Cửa Đức Tin) và cử hành Năm Đức Tin bắt đầu từ 11.10.2012 tới 24.11.2013. ĐGH nhấn mạnh rằng giữa những khủng hoảng Đức Tin sâu xa hiện nay, năm này giúp các tín hữu “tái khám phá hành trình Đức Tin để ngày càng làm nổi bật niềm vui và lòng hăng say phấn khởi được đổi mới nhờ được gặp gỡ Chúa Giêsu” (CĐT 2). Ngoài Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, năm này sẽ khám phá lại Công Đồng Vatican II như hồng ân Thiên Chúa ban cho Hội Thánh trong thế kỷ 20. Sau 50 năm kể từ ngày khai mạc (1962-2012), giáo huấn Công Đồng vẫn là một sức mạnh lớn lao cho việc canh tân Hội Thánh, một việc làm luôn cần thiết. Việc canh tân Hội Thánh được thực hiện qua chứng tá các kitô hữu, là những người được kêu gọi làm sáng tỏ Lời Đức Giêsu đã để lại, là Lời ban ánh sáng chân lý và tình yêu, ban sức sống mới và bình an. Trong viễn tượng này, Năm Đức Tin là lời mời gọi trở về với Đức Giêsu Kitô cùng Lời Ngài dạy, để được đổi mới. Nói cách khác, công cuộc canh tân đời sống cần đi qua con đường Phúc Âm hóa đời sống, đưa những giá trị Tin Mừng vào trong suy nghĩ và hành động của con người (x. Rm 12, 2; Cl 3, 9-10; Eph 4, 20).

Đáp lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng, chúng tôi xin giới thiệu Quý Vị chương trình “Tìm Hiểu Cách Đọc Kinh Thánh.” Chương trình này sẽ dựa trên các văn kiện chính thức của Hội Thánh (Huấn Quyền) hướng dẫn cách giải thích Kinh Thánh cũng như suy tư của các học giả Kinh Thánh Công giáo. Hy vọng chương trình này sẽ góp phần nhỏ bé vào rất nhiều nỗ lực giá trị khác đang có nhằm giúp các tín hữu Việt Nam “củng cố lòng gắn bó với Tin Mừng” (CĐT 8), “vì Tin Mừng là quyền năng Thiên Chúa dùng để cứu độ bất cứ ai có lòng Tin” (Rm 1:16).

Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, một thực tế cho thấy việc đọc hiểu Kinh Thánh không phải là điều dễ dàng. Chính Kinh Thánh chứng nhận điều này. Ngoài những bản văn sáng sủa, Kinh Thánh còn có nhiều đoạn tối nghĩa. Khi đọc một số bản văn sấm ngôn của ngôn sứ Giêrêmia, ông Đanien đã phải suy nghĩ lâu để xem ý nghĩa của những sấm ngôn đó là gì (x. Đn 9,2). Sách Công vụ 8:30-35 ghi lại lần kia Philip nghe một viên thái giám người Êthióp đang ngồi trên xe trở về nhà và đọc sách ngôn sứ Isaia, Philip hỏi viên thái giám, “Ngài có hiểu điều ngài đọc không?” Viên thái giám trả lời Philip, “Làm sao tôi hiểu được nếu không có người dẫn giải.” Thư 2 Phêrô nói rõ là “không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh” (2Pr 1,20). Đàng khác, thư ấy còn quả quyết rằng trong các thư của tông đồ Phaolô “có những chỗ khó hiểu, những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy họa diệt vong” (3,16).

Dường như mẩu đối thoại giữa Philip và viên thái giám cách đây hơn 2000 năm vẫn còn sống động tại Việt Nam hôm nay. Tôi đã hỏi nhiều giáo dân câu hỏi của Philip và nghe nhiều lời than thở là không hiểu đoạn này đoạn kia trong Kinh Thánh nói gì.

Câu chuyện của Philip và viên thái giám cũng như thực tế của các tín hữu Việt Nam, cách riêng là lời kêu gọi của ĐGH Bênêđictô, thúc bách chúng ta suy nghĩ về sự cần thiết phải học cách để đọc hiểu Kinh Thánh. Nhiều người sẽ than thở là không thể, vì một ngàn lẻ một lý do. Nhưng tôi nghĩ lý do chính đó là thiếu lòng khao khát. Nếu càng không hiểu Kinh Thánh thì chúng ta hãy càng khao khát muốn tìm hiểu. Thánh Augustinô giải thích lòng khao khát này như sau: Vì tâm hồn và trí óc chúng ta quá hạn hẹp cho những điều vĩ đại Chúa dành cho chúng ta, đặc biệt là chính Chúa hiện diện nơi Lời của Ngài trong từng trang Kinh Thánh, nên lòng khao khát là cách Thiên Chúa nới rộng tâm hồn và trí óc chúng ta, để chúng ta dễ dàng đón nhận được Chúa. Ai càng khao khát thì càng dễ được những ơn vĩ đại! Ai không khao khát thì sẽ chẳng được gì! Chúa có muốn ban ơn như mưa từ trời xuống thì cũng chỉ gặp một tâm hồn đóng kín hoặc một chiếc bình đã đậy kín nắp.

Chúng tôi xin kể câu chuyện thú vị của một trong những học giả Kinh Thánh xuất sắc, Cha Daniel J. Harringtons, SJ. Câu chuyện cho thấy nếu chúng ta có lòng khao khát và quyết tâm muốn học hiểu Kinh Thánh thì Chúa sẽ ban những ơn trợ giúp cần thiết cho chúng ta.

Cha Harringtons kể rằng khoảng năm 1950, khi ngài 10 tuổi, một ngày kia có hai người đàn ông ăn mặc đẹp đến nhà ngài. Họ rung chuông cửa và mẹ ngài ra mở cửa. Ngài đứng bên cạnh nên nghe được câu chuyện. Hai người kia tự giới thiệu là “những thừa tác viên của Đấng Kitô” và xin phép được vào nhà để thảo luận Kinh Thánh. Mẹ ngài cho họ một câu trả lời mà hầu hết những người Công giáo tốt thời ấy đều trả lời: “Chúng tôi là người Công giáo. Chúng tôi không đọc Kinh Thánh.” Thế là xong!

Cha Harringtons giải thích thêm thật ra người Công giáo có đọc Kinh Thánh, chỉ có điều là hầu hết không nhận ra điều đó. Họ nghe đọc Kinh Thánh trong thánh lễ. Nhưng bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Latinh và đa số chỉ có thể hiểu được bản văn ấy nếu họ có một bản dịch tiếng Anh gọi là “missal.” Tuy vậy, phần lớn người Công giáo khoảng năm 1950 (trừ một số linh mục, tu sĩ) không dành thời giờ để đọc Kinh Thánh.

Dù Cha Harringtons lúc đó còn nhỏ tuổi, nhưng câu chuyện hai người đàn ông kia khiến cho ngài suy nghĩ. Ngài muốn tìm hiểu tại sao người Công giáo không đọc Kinh Thánh. Cùng thời gian đó, ngài đọc trong một tạp chí rằng, theo sách Xuất hành, ông Môsê bị ngọng. Vì cũng bị ngọng nên ngài càng muốn tìm hiểu xem bài báo kia nói đúng không. Ngài liền tìm đọc sách Xuất hành 4:10, trong đó nói rằng ông Môsê đã cưỡng lại lời gọi của Thiên Chúa để lãnh đạo dân Người ra khỏi Aicập. Ông Môsê viện cớ là, “Con không có tài ăn nói vì con cứng miệng cứng lưỡi.” Câu này là một phần của trình thuật trong Xh 3-4 nói về kinh nghiệm của ông Môsê với Thiên Chúa trên núi Khôrếp và ơn gọi lãnh đạo dân Chúa. Theo Cha Harringtons, đây là một trong những bản văn quan trọng nhất của Kinh Thánh. Toàn bộ bản văn chứa đựng tất cả sức năng động của kinh nghiệm tôn giáo: bụi cây bốc cháy, sự tò mò và nỗi sợ hãi của ông Môsê, khái niệm về đất thánh, lời gọi của Chúa, việc Thiên Chúa tự bày tỏ chính Ngài, lệnh truyền đi đến đất Thiên Chúa đã hứa cho Ápraham và con cháu, lời Chúa hứa sẽ thực hiện điều này, những cảnh cho thấy sức mạnh lạ thường của ông Môsê, việc ông tiếp tục từ chối lời Chúa gọi và sau cùng đã chấp nhận.

Vấn đề nói năng khó khăn của ông Môsê (dù là gì đi nữa) đã được đặt trong bối cảnh Chúa nói với ông, “Ai cho con người có mồm có miệng? Ai làm cho nó phải câm phải điếc… Há chẳng phải là Ta, ĐỨC CHÚA, đó sao?” (Xh 4:11). Cha Harringtons thừa nhận bản văn Kinh Thánh này vẫn mãi là bản văn quan trọng nhất trong cuộc đời ngài, không phải vì nói về ông Môsê ngọng nhưng vì cho thấy kinh nghiệm của bản thân Cha về Thiên Chúa và nỗ lực cả đời của Cha để sống trong tương quan với Chúa. Thật vậy, khi lớn lên, cậu bé Harringtons đã gia nhập Dòng Tên và trở thành một trong những học giả Kinh Thánh xuất sắc nhất trên thế giới.

Lm. JM. Mười Một, C.Ss.R

Từ VRNs

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here