Mừng Chúa Phục Sinh! Câu chào hỏi quen thuộc của các ki-tô hữu dành cho nhau trong mùa Phục Sinh, nhất là trong những ngày đầu của tuần Bát Nhật Chúa Phục Sinh. Niềm vui mừng đón Chúa Phục Sinh đã làm nên những nét văn hóa đẹp ở phương Tây trong mùa này. Sau đêm lễ Vọng Chúa Phục Sinh, câu đầu môi chào thăm nhau khi gặp gỡ: Xin những phúc lành của Chúa Phục Sinh đổ xuống trên bạn! Và đối với các em nhỏ, không thể thiếu trò chơi đi tìm trứng Phục Sinh. Trứng Phục Sinh mang biểu tượng và ý nghĩa về sự sống.

Còn nhớ kinh nghiệm lần đầu tiên tham dự lễ Vọng Mừng Chúa Phục Sinh với những người Hungary, sau thánh lễ, mọi người tụ họp ở một sân nhỏ trước nhà thờ, tay bắt mặt mừng cầu chúc nhau: Mừng Lễ Chúa Phục Sinh –  Cầu chúc những ơn lành Chúa Phục Sinh đổ xuống trên bạn! Đến hôm nay, sau một vài lần tham dự, tôi không còn ngạc nhiên và ngỡ ngàng mạnh như lần đầu tiên nữa. Có lẽ, một phần lời chào ấy đã trở thành quen rồi! Năm nào chẳng thế. Chính vì quen, nên đôi lúc ta không để ý đến ý nghĩa thực sự mùa Phục Sinh, cũng như sự ẩn chứa trong lời chúc mừng ấy.

Dưới con mắt một số bạn ngoài công giáo, thì cho rằng đây là một trong những văn hóa đẹp của người Công Giáo. Còn đối với người Công giáo, đây không chỉ là một lễ hội mang tính văn hóa, mà còn là sự diễn tả niềm tin và niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh. Một niềm tin mang tính truyền thống. Niềm tin ấy được truyền lại từ các tông đồ theo Chúa.

Quay trở lại những năm nửa đầu thế kỷ thứ nhất, sau ba ngày Đức Giê-su chịu chết trên thập giá, các môn đệ và một số người phụ nữ nữa, họ vẫn chưa hết nỗi đau đớn bàng hoàng. Vài ngày trước đó, con tim họ đã tan nát vì Thầy của họ đã chết thảm, nay lại thêm một hung tin nữa: ngôi mộ trống. Cho nên đứng trước sự kiện mới này, họ sợ hãi và hoài nghi. Đầu tiên, họ tưởng là xác Thầy bị người ta lấy đi. Sau những lần hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh, họ mới hiểu: ngôi mộ trống, không phải là do người ta lấy xác Thầy đi; và họ xác tín Thầy đã phục sinh.

Chuyện về Thầy Giê-su chịu chết và Phục Sinh không phải dễ mà hiểu và chấp nhận được. Ngay cả những người thời ấy, họ cũng hoài nghi về tin Thầy Giê-su sống lại từ cõi chết. Thực vậy, việc Chúa Giê-su sống lại thế nào, không một ai tận mắt chứng kiến. Các tông đồ cũng không tận mắt nhìn thấy việc Chúa Phục Sinh như thế nào. Các ông chỉ được gặp Chúa Giê-su Phục Sinh hiện ra nhiều lần và tận mắt chứng kiến ngôi mộ trống, nên các ông xác tín: Chúa đã phục sinh. Nói một cách khác, với mầu nhiệm Chúa sống lại, con người không thể tiếp cận bằng khoa học thực nghiệm, con người chỉ có thể tiếp cận với mầu nhiệm Chúa Phục Sinh bằng con mắt đức tin. Tất nhiên, lối tiếp cận này không có nghĩa là chúng ta tin cách mù quáng. Những gì diễn ra sau sự kiện Chúa Phục Sinh là những bằng chứng không thể phủ nhận Chúa đã Phục Sinh.

Thời đó, không ít người cho rằng các môn đệ của Giê-su đã đi ăn trộm xác và phao tin nhảm Thầy của họ đã sống lại từ cõi chết. Thời nay, cũng không ít người vẫn cho đó là niềm tin hão huyền dành cho những kẻ ít học và ngu muội. Nhìn bề ngoài, những lý lẽ của những người không tin thách thức niềm tin của chúng ta. Nhưng nhìn kỹ vào bên trong, chúng ta không thể phủ nhận những biến cố đã diễn ra trong những ngày sau khi Chúa Phục Sinh. Đầu tiên, tin mừng Chúa Phục Sinh không phải là tin để câu like. Lúc bấy giờ, sự kiện Đức Giê-su chết treo trên cây thập giá vẫn còn là nỗi kinh hoàng cho các môn đệ và những người theo Đức Giê-su. Khi còn sống trong sự sợ hãi, chắc chắn các môn đệ đâu còn tâm trí vẽ ra chuyện khó tin hơn: Thầy sống lại từ cõi chết. Chưa kể lúc đó, các môn đệ vẫn còn hồn bay phách lạc, sợ liên lụy đến Thầy Giê-su, họ vẫn đóng kín cửa vì sợ người Do thái và đang tìm cơ hội để cao chạy xa bay.

Thứ hai, lời loan tin mừng Chúa Phục Sinh đi đôi với đời sống chứng nhân của các tông đồ. Các ông là những con người sợ chết. Các ông đang tìm cách chối bỏ thân phận là một người môn đệ của Đức Giê-su. Thế mà nay, tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí loan tin mừng Chúa đã sống lại. Nếu đây là tin nhảm, thì khi gặp thử thách nguy hiểm đến tính mạng, chắc chắn sẽ có những kẻ thoái lui. Niềm xác tín vào Chúa Phục Sinh đã tăng thêm sức mạnh cho các tông đồ và họ sẵn sàng trả giá bằng mạng sống của mình. Chuyện gì đã xảy ra trong họ, chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết rằng chính những con người sợ chết ấy, nay lại đầy can đảm và đồng tâm nhất trí tuyên xưng một điều chẳng dễ đón nhận: Đức Giê-su đã sống lại từ cõi chết.

Là người ki-tô hữu, là người môn đệ của Chúa, chúng ta được mời gọi hãy mở rộng con tim để những ơn lành của Chúa Phục Sinh chiếu giãi và biến đổi đời sống chúng ta. Chúa Giê-su Phục Sinh đã minh chứng Thiên Chúa toàn thắng bóng tối sự dữ. Những ơn lành của Chúa Phục Sinh sẽ đổ xuống trên những ai tin cậy nơi Ngài.

Văn Ngữ

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here