Bài cầu nguyện dẫn vào Linh Thao (Bài này khởi đầu cuộc thao luyện, thao viên chọn làm vào thời điểm thích hợp trong ngày: trưa, chiều hay tối – trước bàn thờ hay trong phòng riêng có bài trí ảnh tượng, kinh thánh…).

Chủ đề: VIỆC TIẾP ĐÓN ĐỨC GIÊSU  (Lc 10,38-42)

Tin Mừng:

38Trong khi Thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mac-ta đón Người vào nhà. 39Cô có người em gái tên là Maria. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. 40Còn cô Macta thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Xin Thầy bảo nó giúp con một tay”. 41Chúa đáp: “Mac-ta, Mac-ta ơi, chị lo lắng và lăng xăng nhiều việc quá! 42Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.

Tiến trình cầu nguyện: chính yếu gồm bốn bước: đặt khung cảnh – xin ơn – cầu nguyện – tâm sự kết thúc.

Bước vào cầu nguyện: Đặt mình trước tôn nhan Chúa, ý thức Chúa hiện diện với mình và cúi đầu thờ lạy.

Đặt khung cảnh: Đề tài đưa ra khung cảnh của cuộc thăm viếng Chúa Giêsu dành cho hai chị em Maria và Macta để chỉ cho họ cách thức sống tình yêu đích thực.

Xin ơn: Xin Chúa đào luyện chúng ta trong cuộc thao luyện này như cuộc thăm viếng  của Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta biết dấn thân sống giới răn của Chúa mà trở nên con cái Thiên Chúa.

Điểm gợi ý:

Cuộc Linh Thao này đặt trong bầu khí của cuộc thăm viếng của Đức Kitô, một cuộc thăm viếng để con người được hồng ân cứu độ và được nên con Thiên Chúa với Ngài.  Chính trong cuộc thăm viếng này mà Ngài dạy chúng ta sống ơn cứu độ nơi kinh Lạy Cha (Lc 11,1-4). Trong bối cảnh đại dịch này, Chúa cũng thực hiện cuộc thăm viếng dành cho chúng ta và toàn thể nhân loại, để chúng ta biết sống tha thứ và yêu thương hơn nữa. Với đề tài này, tôi đề nghị anh chị em suy nghĩ cầu nguyện ba điểm nhấn nơi hai nhân vật đón tiếp Chúa.

1/ Macta sống cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở mức độ nhân bản: cô chỉ nhìn nhận Ngài là một vị thầy mà cô kính trọng, phục vụ. Đón tiếp cách đó cô ta dễ có cám dỗ lấy mình làm chuẩn mực để so bì và ghen tỵ; không chỉ thế, cô còn lấy Chúa ra để tô vẽ công trạng của mình và biến người khác thành khí cụ để sai khiến và đòi hỏi.

2/ Maria sống cuộc thăm viếng ở mức độ siêu nhiên: Cô không chỉ nhìn nhận Ngài là vị Thầy mà còn là Thiên Chúa. Là Thầy nên Ngài là mẫu gương cho cô học hỏi – là Thiên Chúa nên nơi Ngài mới có chuẩn mực đích thực, chuẩn mực của tình yêu thần linh chạm tới kẻ thù mà người Samaritano đã hành xử đối với người bị nạn (Lc 10,29-37). Chuẩn mực này chỉ có từ Thiên Chúa và là ơn ban của Ngài cho con người. Như vậy, Maria không phải là người chủ trương một lối sống trốn việc quan đi ở Chùa, mà là người luôn ở bên Chúa để học hỏi, xin ơn nhờ đó cô cũng sẽ làm công việc của Mac-ta mà thoát khỏi cảnh so sánh, ghen tỵ.

3/ Chúa Giêsu chuẩn nhận sự lựa chọn của cô Maria và tuyên bố đó là “phần tốt nhất mà không bị lấy đi”: Phần tốt nhất vì đó là chọn lựa ở bình diện siêu nhiên vốn đem đến cho con người niềm hạnh phúc và sự sống đời đời của con cái Thiên Chúa – Chúa cũng tuyên bố đó là “một chuyện cần thiết duy nhất”: duy nhất là vì sự chọn lựa này có giá trị và phẩm chất thần linh mới giúp điều chỉnh và sửa sai những chọn lựa nhân bản vốn dễ dẫn đến sai lệch do những đam mê và nết xấu của con người

Sau cùng, tôi suy xét về cách sống của mình – tâm sự – kết thúc bằng kinh Lạy Cha để xin Chúa chúc lành cho tiến trình thao luyện hằng ngày – xét gẫm kết thúc giờ cầu nguyện.

Người soạn: Lm Giuse Lê Quang Chủng,S.J

File nghe

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here