Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Đây là những câu hỏi tu từ. Nếu câu hỏi đầu tiên có thể trả lời , thì câu hỏi thứ hai, câu trả lời được mong đợi là không.

Trong Tin Mừng của thánh Mat-thêu,[1] Đức Giê-su gọi những người pha-ri-sêu là những người mù dẫn đường. Còn ở trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 8 Thường Niên Năm C,[2] thánh sử Lu-ca không nói đích danh ai là người mù, nên có thể hiểu, người mù là bất kì ai. Vì thế, khi chọn người hướng dẫn, chúng ta hãy cẩn trọng, kẻo sẽ đến ngày, ta cũng rơi xuống hố cùng với người dẫn đường mù quáng.

Ngày hôm nay, không ít người tự nhận mình là người dẫn đường, nhưng nhiều người trong số họ là những kẻ bị mù mà không biết. Họ tìm cách gia tăng sự ảnh hưởng của mình trên những người khác về các vấn đề tâm linh, tài chính, y tế, và các vấn nạn về gia đình… Nếu để ý ta có thể nhận ra, đằng sau những hào nhoáng bên ngoài, ẩn dấu những mục đích xấu xa. Họ sẽ dẫn cuộc sống của chúng ta vào nơi hỗn loạn, chứ không đến bến bờ bình an đích thực. Cho nên, khi chọn một người hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến cuộc sống, đặc biệt là về vấn đề tinh thần, bạn phải rất cẩn thận. Vậy làm sao để chọn được một người hướng dẫn tốt?

Đức Giê-su chỉ cho ta một nguyên tắc căn bản: “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20). Đây là một nguyên tắc khá đơn giản để có thể nhận ra đâu là tốt thực sự. Trong đời sống thường ngày, chúng ta bị bao quanh bởi cả điều tốt và điều xấu, nên cần phải có khả năng phân định để nhận ra điều tốt.

Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho![3] Hoa trái đến một cách tự nhiên theo đúng chất lượng tự nhiên của cây. Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu, hoặc không sinh trái. Có thể nói, đây là nguyên tắc cơ bản và hiển nhiên. Đức Giê-su dùng nguyên tắc này để giúp chúng ta nhận ra một nguyên tắc tương tự trong đời sống thiêng liêng của mình.

Người tốt thì lấy ra cái tốt từ trong kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” Giống như cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu; thì người tốt làm những việc tốt lành, còn người xấu thích làm điều gian ác. Có thể nói, các hành động bên ngoài phần nào tỏ lộ con người thật bên trong của chúng ta.

Cần lưu ý thêm, quả tốt không chỉ là nói những lời tốt đẹp, nhưng còn hệ tại ở hành động tốt nữa. Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ: „Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.”[4] Nói theo ngôn ngữ của thánh I-nhã, khi nhận định thần loại, cần thận trọng để đừng bị lừa! Vì thần dữ có thể đội lốt thần lành để dụ dỗ. Chúng bày ra những tư tưởng tốt đẹp và có vẻ đạo đức thánh thiện, nhưng sau đó lại dẫn ta đến những chọn lựa và làm việc xấu xa: ghen ghét, đố kị, phán xét và lăng mạ người khác…

Bên cạnh đó, cần cẩn thận với sự tự kiêu, tự cho mình là đúng. Các kinh sư và người pha-ri-sêu đã phạm sai lầm khi đề cao cá nhân quá mức. Họ tự nhận mình là người công chính. Họ cho rằng, chỉ có ai sống giống như lối sống của họ (nghiêm túc giữ trọn lề luật), thì mới được gọi là người sống công chính. Có thể nói, họ đã đúng, khi xác tín rằng các lề luật trong Kinh Thành là món quà đến từ Thiên Chúa; và cần phải trung thành với lề luật đã được ban. Tuy nhiên, việc tuân giữ lề luật một cách thái quá, sẽ dẫn đến nguy cơ trở nên người tự mãn thiêng liêng. Những người tự mãn thường cho rằng chỉ có mình tốt, phần còn lại của thế giới là xấu. Đó là trường hợp của các kinh sư và người pha-ri-sêu. Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ và mỗi người chúng ta rằng, nếu không cẩn trọng, ai cũng có thể bị rơi vào vết xe đổ của những người luật sĩ và pha-ri-sêu. Chúng ta có thể sống rất đạo đức thánh thiện, hằng ngày đọc kinh xem lễ… nhưng lại thích xét đoán, lên án và khinh dể người khác – một kiểu kiêu ngạo thiêng liêng.

Chúng ta cần cẩn trọng và khôn ngoan trong những điều này:

Thứ nhất, thánh sử Lu-ca không có ý nói rằng: chỉ cần nhìn kết quả, nhìn hành động của ai đó một lần thôi, là ta có thể đưa ra kết luận cho mãi mãi. Nghĩa là, chúng ta không nên dựa vào một hay hai hành vi lầm lỡ của người khác, rồi sau đó „dán mác” cho rằng người ấy là người xấu.

Thứ đến, hãy để ý lưu tâm đến con tim của mình. Sự thiện và sự ác đều có thể chiếm hữu con tim của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có đủ tự do để chọn lựa và cho phép sự thiện hay sự dữ ở lại trong trái tim mình. Nếu chỉ giữ lại những sự thiện hảo và các điều tốt lành trong trái tim, thì ta sẽ vững tâm, cho dù cuộc sống bên ngoài có gặp phải nhiều khó khăn và thử thách; Ngược lại, nếu ưng thuận và chứa chấp những sự xấu xa và gian ác trong tim, thì chẳng sớm hay muôn, ta sẽ bị những nọc độc này giết chết chính mình.

Mỗi ngày qua đi, chúng ta được mời gọi: cẩn thận nhìn vào tấm gương của trái tim mình, để xem xét các hành động của ta đang được thần lành dẫn dắt, hay đang bị thần dữ xúi giục. Chúng ta có đủ can đảm và dứt khoát không thương lượng với những điều xấu xa gian tà  trong lòng mình không? Chúng ta đã chọn được một người hướng dẫn tốt, để trò chuyện và bàn hỏi về đời sống thiêng liêng của mình chưa?

Ước chi mỗi ngày, con biết chọn lựa và thực hiện những điều làm đẹp lòng Chúa hơn.

Văn Ngữ, SJ

…………………………………………………………….

[1] Xem Mt 15,12-14.

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 8 Thường Niên C (Lc 6,39-45): Mù mà lại dắt mù; Cái rác và cái xà; Cây nào trái ấy.

[3] Xem Lc 6, 43-44; Mt 7,16-19

[4] Xem Mt 7,15-16: Cây nào trái ấy.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here