Đợt thuyên chuyển nhiệm sở của các linh mục Bùi Chu trong tháng 12 này đang dần khép lại với việc nhận nhiệm sở mới của cha Đaminh ĐINH NGỌC HOÀN chuyển từ giáo xứ NINH CƯỜNG, Trực Phú, Trực Ninh đến giáo xứ HẢI NHUẬN, Hải Lộc, Hải Hậu vào sáng 19/12/2018. Dẫu cho việc thuyên chuyển nhiệm sở của quý linh mục Bùi Chu đang dần khép lại, song cảm giác buồn vui giữa người đi và người ở vẫn còn lẫn lộn kể cả bà con giáo dân lẫn các linh mục.

Hình ảnh: Cha Giuse Phan Văn Duy trong ngày được sai về làm chánh xứ giáo xứ Chỉ Thiện sáng 13/12/2018

Với người ra đi, các cha thuyên chuyển nhiệm sở dường như phải bỏ lại tất cả: bỏ lại những người thân quen, những đồ vật đã gắn bó, những công việc quen thuộc… Sự bỏ lại như thế làm sao không để lại trong người ra đi cảm giác mất mát, trống rỗng, hụt hẫng dù vẫn biết đối với đời dâng hiến, tình yêu Thiên Chúa và các linh hồn mới là thứ có thể lấp đầy tâm hồn, làm cho các ngài dám can đảm tiếp tục dấn thân cho sứ mạng trong mọi hoàn cảnh.

Như Abraham năm xưa bỏ lại gia đình, quê hương, bạn bè, người thân, cất bước lên đường theo tiếng Chúa gọi, không khỏi băn khoăn nơi vùng đất mới, trước sứ mạng mới Chúa trao phó, các linh mục của Chúa cũng thế. Làm sao các ngài không băn khoăn lo lắng khi phải đến làm việc ở một xứ đạo mới, nơi tất cả đều mới mẻ: mới mẻ từ con người đến phong tục tập quán, mới mẻ từ cách sống tới cách làm việc, mới mẻ ở cả cách thức người khác đón nhận mình…

Với người ở lại, giáo dân cũng không tránh khỏi cảm giác phải chia ly: chia ly với người cha thân quen từ dáng điệu cho tới lời nói, từ cách giảng dạy cho tới lối cư xử, từ tiếp xúc cho tới việc giải quyết các vấn đề, từ cách sống cho tới cách phục vụ… Nhất là những giáo xứ phải chia tay với một mục tử tốt lành, đang hết lòng phục vụ đoàn chiên, đang ân cần chăm sóc nhu cầu tâm linh cho cộng đoàn, giáo dân làm sao có thể cầm được nước mắt khi phải chia ly như thế?

Dù cho vẫn biết các mục tử được sai đến với sứ mạng thay mặt Chúa và bề trên chăm sóc đoàn chiên, nhưng mỗi giáo xứ đều không tránh khỏi những băn khoăn về cha xứ mới. Những thắc mắc thường được đặt ra: cha xứ mới thế nào, yếu khoẻ, gầy béo ra sao, nhất là cha xứ mới ấy có cung cách và tinh thần phục vụ thế nào, có được như cha xứ cũ không, đời sống thiêng liêng của giáo xứ có được chăm sóc chu đáo không? Băn khoăn, lo lắng như thế không phải là không có lý do vì thực tế vẫn còn có những mục tử chưa chăm sóc đoàn chiên như cộng đoàn hay như lòng Chúa mong đợi.

Bên cạnh những cảm giác buồn, việc thuyên chuyển nhiệm sở của các linh mục cũng đem đến những niêm vui và hy vọng. Thật thế, với người ra đi, đây là cơ hội để làm mới lại từ cách sống cho tới cách phục vụ bởi theo tâm lý tự nhiên, con người dễ nhàm chán với những gì đã quen thuộc: những con người quen thuộc, những công việc quen thuộc, môi trường sống quen thuộc… Vì thế, lên đường là cơ hội đổi thay và làm mới lại những gì cần thiết, nhất là được làm việc trong môi trường mới, các cha đương nhiên phải xem, xét, rồi hành động để làm sao đem lại nhiều lợi ích nhất cho đoàn chiên được trao phó.

Với người ở lại, được đón cha xứ mới ấy cũng là niềm vui và hy vọng vì đây là cơ hội để họ cũng được đổi mới hầu có thể cộng tác tốt hơn với cha xứ mới xây dựng giáo xứ ngày một thăng tiến hơn. Thật thế, một cách rất tự nhiên khi gặp gỡ, làm việc với một đối tượng mới, người ta thường thận trọng dè dặt. Để có thể cộng tác làm việc hiệu quả, giáo xứ cần tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tính và cách làm việc của cha xứ mới, và như thế giáo xứ chẳng có cách nào khác ngoài việc phải đổi mới bản thân.

Hơn thế nữa, có những giáo xứ phải chịu đựng cha cũ xứ ít nhiều, giáo dân mong ước có mục tử mới để đổi mới giáo xứ. Những xứ đang trong tình trạng này được đón cha xứ mới quả là cả một niềm vui và niềm hy vọng lớn lao. Họ hy vọng cha xứ mới đến thổi vào giáo xứ một luồng gió mới, một bầu khi mới, một tinh thần mới, và một nhiệt huyết mới. Kinh nghiệm cũng cho thấy rất rõ điều ấy: một giáo xứ gặp phải một cha ít năng động, khi gặp được cha mới trẻ trung, năng động, giàu lòng đạo đức, thì giáo xứ ấy hạnh phúc biết bao, và sự đổi thay sớm muộn cũng đến.

Quan trọng hơn cả vẫn là niềm hy vọng đổi mới thiêng liêng cho cả người đi và kẻ ở. Phải đến môi trường mới, lẽ di nhiên các cha phải bắt đầu lại; được đón cha mới, giáo xứ cũng phải đổi thay. Những cố gắng đổi thay ấy sẽ làm cho cả người đi lẫn kẻ ở lớn lên trong đức tin, lớn lên trong đời sống tâm linh, lớn lên trong mối liên hệ với Chúa và với con người.

Thuyên chuyển nhiệm sở của các linh mục trong giáo phận là chuyện rất bình thường trong các sinh hoạt của Hội thánh. Dẫu biết thế, nhưng việc thuyên chuyển bao giờ cũng để lại những vui buồn lẫn lộn. Tuy nhiên, những vui buồn lẫn lộn ấy không phải là hậu quả tiêu cực cho bằng là động lực thôi thúc người đi kẻ ở làm mới lại đời sống đạo để các tín hữu lớn lên trong tương quan với Chúa và với con người. Nguyện ước cho điều này trở thành hiện thực và việc thuyên chuyển không còn phải là gánh nặng cho bất cứ ai, nhưng là niềm hy vọng đổi mới cho mọi người.

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

Tác giả chỉnh sửa: Giuse Phan Văn Tiến

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here