1. Lịch sử về Mùa Chay

          Giáo Hội Công Giáo dùng từ ngữ chính thức Mùa 40 ngày (Quadragesima theo ngôn ngữ La tinh và Tessarakosti theo ngôn ngữ Hy lạp) để nói lên thời gian của Mùa Chay kéo dài 40 ngày bắt đầu từ Thứ Tư lễ Tro. Mùa 40 này được gọi là Mùa Chay trong tiếng Việt và Mùa Xuân (Lent) trong tiếng Anh. Số 40 luôn mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt vì liên quan đến việc Mô sê chuẩn bị đón nhận Mười Điều tại núi Sinai. “Môsê ở đó với Đức Chúa 40 ngày và 40 đêm, không ăn không uống, và ông viết trên những bia các điều khoản của giao ước, gọi là Mười Điều” (Xh 34:28). Ngôn sứ Êlia đi bộ “40 ngày và 40 đêm lên núi Khô-rép để gặp Thiên Chúa” (1 V 19, 8). Quan trọng nhất là Chúa Giêsu ăn chay và cầu nguyện “40 ngày và 40 đêm” trong hoang địa trước khi Ngài công khai thi hành sứ vụ cứu chuộc (Mt 4:2). Tóm lại, Mùa Chay 40 ngày là thời gian đặc biệt để cầu nguyện, sám hối, hy sinh và làm việc tốt chuẩn bị mừng lễ Chúa Phục sinh.

  1. Thái độ khi ăn chay

          Chúa Giêsu dậy các môn đệ: 1/ Về thái độ bố thí cách kín đáo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em (Mt 6,1-4); 2/ Về thái độ cầu nguyện nơi kín đáo: “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em (Mt 6, 5-6); 3/ Về thái độ hân hoan khi chay tịnh: “Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, anh em nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh em ăn chay ngoại trừ Cha của anh em, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh em.” (Mt 6,16-18). Thật vậy, ăn chay đem lại cho mọi tín hữu Kitô niềm hân hoan vì được trở về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa và thực hành ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, các thánh tông đồ, các thánh giáo phụ, các thánh tiến sĩ và đa số các thánh Giáo Hội đề cao việc ăn chay không những trong Mùa Chay nhưng trong các dịp lễ đặc biệt. 

  1. Thực hành ăn chay

          Ngay từ thời ban đầu, Giáo Hội chuẩn bị lễ Chúa Phục sinh với thời gian ăn chay.

Các tông đồ đã thực hành 40 ngày Mùa Chay trong một số vùng nhưng chưa được áp dụng trong toàn thế Giáo Hội. Tại Giêrusalem, tín hữu ăn chay 40 ngày, từ thứ Hai tới thứ Sáu trong tuần, vì thế Mùa Chay kéo dài 8 tuần. Tại Rôma và Tây phương, tín hữu ăn chay 6 tuần, từ ngày thứ Hai tới thứ Bảy trong tuần, do đó Mùa Chay kéo dài 6 tuần. Cuối cùng, tín hữu ăn chay 6 ngày mỗi tuần trong 6 tuần, thứ Tư lễ Tro được thiết lập để tăng số ngày cho đủ 40 ngày trước lễ Phục sinh.

          Thánh Irênê đã viết cho Đức Giáo Hoàng Victor I, nói về việc cử hành lễ Phục sinh với sự khác biệt ăn chay trong Giáo hội Đông phương và Tây phương: “Sự tranh luận không chỉ về ngày, mà còn về đặc tính của việc ăn chay. Một số người nghĩ rằng họ nên ăn chay một ngày, một số người nghĩ nên ăn chay hai ngày, một số người khác lại nghĩ nên ăn chay nhiều ngày hơn; một số người khác lại nghĩ nên ăn chay 40 giờ cuối cùng. Sự khác nhau trong cách giữ luật như vậy đã không có nguồn gốc như ngày nay, mà rất khác trước, từ thời xa xưa” (Eusebius, Lịch sử Giáo hội, V, 24). Rufinus chuyển ngữ câu ‘ăn chay 40 giờ’ từ ngôn ngữ Hy lạp sang La tinh, đã thêm dấu phẩy giữa ’40’ và ‘giờ’ làm thành ’40 ngày, 24 tiếng mỗi ngày’. Sự quan trọng của câu vẫn tồn tại, đó là kể từ thời các tông đồ đã ăn chay 40 ngày trong Mùa Chay. Tuy vậy, việc thực hành và thời gian ăn chay vẫn chưa đồng nhất trong toàn thể Giáo Hội.

          Từ thời Công Đồng Nicêa (325), Giáo Hội tuân giữ 40 ngày Mùa Chay. Thánh Athanasiô (296-373) trong “Các Thư Về Ngày Lễ”, kêu gọi giáo dân ăn chay 40 ngày trước khi ăn chay nghiêm ngặt hơn trong Tuần Thánh. Thánh Cyril thành Giêrusalem (315-386), trong các bài giảng giáo lý, nay gọi là Nghi Thức Khai Tâm Công Giáo cho Người lớn (RCIA), nêu lên 18 điều hướng dẫn các dự tòng trong Mùa Chay. Thánh Cyril thành Alexandria (378-444) chú trọng đến việc ăn chay trong Mùa Chay 40 ngày. Vào cuối thế kỷ 4, thời gian 40 ngày ăn chay chuẩn bị lễ Phục sinh được tuân giữ. Sau cũng, Đức Giáo Hoàng Lêo I (440-461) đã giảng dậy về ý nghĩa của Mùa Chay cũng như nhắc nhớ các các tín hữu phài “thực hành việc ăn chay 40 ngày theo luật”, đồng thời chú ý về Mùa Chay có nguồn gốc từ thời các tông đồ. Cầu nguyện và chay tịnh là những việc thực hành tâm linh ưu tiên.

          Luật chay bao gồm: 1/ Kiêng cữ các loại thịt và sản phẩm từ động vật. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô 1 (590-604), nói về quy luật này trong thư gửi cho thánh Augustine thành Canterbury “Chúng ta phải kiêng những đồ tươi như thịt, và các loại tươi khác như sữa, bơ và trứng”; 2/ Luật chay áp dụng cho mọi người, chỉ ăn một bữa mỗi ngày vào buổi tối hoặc lúc 3 giờ chiều.

  1. Ích lợi của ăn chay:

          Chúa Giêsu đã ăn chay và cầu nguyện tại nơi hoang vắng trong suốt 40 ngày đêm. Ăn chay có những ý nghĩa tích cực như sau: 1/ Ăn chay giúp chúng ta nhận ra sự yếu đuối con người. 2/ Ăn chay biểu lộ sự ăn năn sám hối của chúng ta về những lỗi lầm. 3/ Ăn chay giúp chúng ta chống lại những cám dỗ của thế gian, xác thịt và ma quỉ. 4/ Ăn chay giúp cá nhân được thanh tẩy và thánh hóa qua bí tích Hòa giải. 5/ Ăn chay cùng với nhữing hành vi đạo đức khác tăng sức mạnh cho đời sống tâm linh cá nhân và cộng đoàn. 6/ Ăn chay và cầu nguyện giúp chúng ta kết hiệp chặt chẽ với Đức Kitô để đem ơn cứu rỗi cho toàn thể nhân loại. 7/ Chay tịnh, cầu nguyện và bác ái giúp chúng ta hướng về  những nỗ lực cổ võ công lý, hòa bình, tha thứ và thương xót. 

  1. Đặc tính của Mùa chay

          Theo Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican 2: Hai đặc tính của Mùa Chay là việc sám hối và nhất là việc nhớ lại hoặc dọn mình chịu phép Rửa Tội, chuẩn bị các tín hữu cử hành mầu nhiệm phục sinh, bằng sự nhiệt thành nghe lời Chúa và chuyên chăm cầu nguyện hơn. Hai đặc tính trên phải được trình bày rõ ràng hơn cả trong Phụng Vụ lẫn giáo lý phụng vụ. Do đó: a) Những yếu tố về phép Rửa Tội riêng cho Phụng Vụ Mùa Chay phải được áp dụng rộng rãi hơn. Một số yếu tố thuộc truyền thống xa xưa, nếu có thể, cần phải được tái lập. b) Còn các yếu tố về việc sám hối cũng vậy. Trong khi dạy giáo lý, phải khắc ghi vào tâm trí các tín hữu không những các hiệu quả xã hội của tội mà còn chính bản chất của việc sám hối là ghét tội vì tội xúc phạm đến Thiên Chúa. Không được bỏ quên vai trò của Giáo Hội trong tác động sám hối, và phải nhấn mạnh đến việc cầu cho các tội nhân (số 109).

          Hiến Chế Về Phụng Vụ Thánh còn nhấn mạnh đến việc thực hành sám hối cá nhân và công cộng: Trong Mùa Chay, việc sám hối không những chỉ ở trong lòng và có tính cách cá nhân, mà còn phải tỏ lộ ra bên ngoài và có tính cách xã hội. Vậy hãy khuyến khích việc thực hành sám hối tùy theo khả năng của thời đại ta, của các miền khác nhau cũng như hoàn cảnh các tín hữu. Việc thực hành sám hối đó phải được các Ðấng Bản Quyền cổ võ như đã nói ở khoản. Tuy nhiên, việc giữ chay thánh trong Mùa Phục Sinh là việc phải được giữ cách nhiệm nhặt, khắp nơi đều phải giữ vào ngày thứ Sáu Chúa chịu thương khó và chịu chết, nếu tiện cũng phải kéo dài qua thứ Bảy Tuần Thánh, để tâm hồn người tín hữu một khi được nâng cao và giải thoát, được hưởng niềm vui Chúa Sống Lại (số 110). 

  1. Sứ điệp Mùa Chay 2019

          Chủ đề Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Sứ điệp gồm 5 điểm chính: 1/ Chúa Giêsu tự nguyện hi sinh mạng sống để cứu độ nhân loại. Mọi sự được ban cho chúng ta do bởi sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa. Mùa Chay, thời gian quan phòng nhằm hoán cải, giúp chúng ta chiêm ngưỡng mầu nhiệm tình yêu lạ lùng ấy; 2/ Do lòng thương xót hải hà, Thiên Chúa đã khoan dung nghiêng mình trên những yếu đuối của chúng ta, và biến thành cơ hội để tuôn đổ tình yêu cách mới mẻ và kỳ diệu hơn; 3/ Mùa Chay đặc biệt giúp chúng ta hiểu rằng cuộc sống được Chúa Giêsu cứu chuộc, được Chúa Thánh Thần canh tân để chúng ta tham dự vào sự sống của chính Thiên Chúa, sự sống ấy lôi kéo chúng ta sống thân mật với Thiên Chúa và cho chúng ta cảm nghiệm tình yêu của Người đối với chúng ta. Đây là một quà tặng tuyệt vời, mà người Kitô hữu không thể không vui mừng loan báo; 4/ Khi người Kitô hữu đáp ứng những nhu cầu của người thân cận như người Sa-ma-ri-ta-nô nhân lành, hành động của họ không bao giờ chỉ là trợ giúp về vật chất. Nó luôn luôn và đồng thời là một lời loan báo về Vương quốc, và mặc khải ý nghĩa tròn đầy của sự sống, niềm hi vọng và tình thương; 5/ Tích cực sống quảng đại đối với những anh chị em nghèo khổ nhất ! Khi mở rộng con tim của chúng ta, chúng ta càng nhận thức sâu xa rằng quà tặng chúng ta trao ban cho kẻ khác là lời đáp trả của chúng ta đối với muôn hồng ân Thiên Chúa tiếp tục ban cho chúng ta. Chúng ta đã lãnh nhận nhưng không, hãy trao ban nhưng không!

  1. Những thực hành đạo đức trong Mùa Chay

          Giáo Hội khuyên mọi người thực hành những việc đạo đức sau đây trong Mùa Chay: 1/ Thực hành chế ngự bản thân: Ngoài việc giữ chay tịnh, tín hữu còn được khuyến khích bãi bỏ tiệc tùng, giảm bớt ăn uống, giảm bớt mua sắm và chi tiêu; 2/ Thực hành những việc đạo đức: cầu nguyện, tĩnh tâm, xưng tội, đi đành thánh giá, chầu Mình Thánh Chúa, học hỏi và suy niệm Lời Chúa; 3/Thực hành những việc bác ái theo 14 mối phúc.  Thương xác theo 7 mối phúc: Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn. Thứ hai: Cho kẻ khát uống. Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc. Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Thứ năm: Cho khách đỗ nhà. Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi. Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết. Thương linh hồn theo 7 mối phúc: Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người. Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội. Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo. Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội. Thứ năm: Tha kẻ dể ta. Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta. Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết; 4/ Thực hành và chia sẻ sứ điệp Mùa Chay của Đức Thánh Cha trong gia đình và giáo xứ; 5/ Thực hành việc làm chứng cho Tin Mừng cùng với mọi Kitô hữu:  cử hành phụng vụ Lời Chúa hoặc cử hành đàng thánh giá chung tại nơi công cộng, cùng nhau phục vụ con người và công ích xã hội.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here